Đề xuất lương tối thiểu giờ bằng lương tối thiểu tháng quy đổi
Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong bản Dự thảo Nghị định quy định, từ ngày 1/7/2022 lần đầu tiên thực hiện lương tối thiểu giờ, bên cạnh lương tối thiểu tháng. Mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng là: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với NLĐ trả lương theo tháng; lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với NLĐ trả lương theo giờ.
Bộ LĐTB&XH cho rằng mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương phù hợp với điều kiện Việt Nam khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho NLĐ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong DN.
Đã có những ý kiến đề nghị Bộ LĐTB&XH cần xem xét lại phương pháp xác định lương tối thiểu giờ dựa trên quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn để bảo vệ được quyền lợi cho nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian. Theo kinh nghiệm quốc tế, mức lương tối thiểu giờ có thể quy đổi từ mức lương tối thiểu tháng và giờ làm việc tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật theo 3 cách: (1) quy đổi tương đương; (2) quy đổi cao hơn (có tính thêm hệ số bổ sung); (3) quy đổi thấp hơn.
“Tại Việt Nam, pháp luật không quy định phân biệt chế độ giữa NLĐ làm việc trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu tháng) và NLĐ làm việc không trọn thời gian (áp dụng lương tối thiểu giờ). Do đó, không có căn cứ để tính hệ số bổ sung cộng thêm vào mức lương tối thiểu giờ. Hơn nữa, nếu tính thêm hệ số bổ sung để có mức lương tối thiểu giờ cao hơn thì NLĐ sẽ chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian, ổn định sang hưởng lương giờ, tạo ra sự xáo trộn lớn về quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các DN và có thể ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Khóa XII” – Bộ LĐTB&XH lý giải.
Cân bằng quyền lợi cho người lao động
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lao động không đồng tình với cách tính mức lương tối thiểu giờ của Bộ LĐTB&XH đề xuất vì rất thấp so với thị trường lao động phổ thông. Hiện nay, người bán hàng quần áo được trả 40.000 – 45.000 đồng/giờ, lau dọn nhà cửa 45.000 – 50.000 đồng/giờ, thợ xây 50.000 đồng/giờ (400.000 đồng/ngày công)… trong khi lương tối thiểu giờ ở vùng I chỉ có 22.500 đồng/giờ. “Bộ LĐTB&XH đề xuất lương tối thiểu giờ quá thấp, NLĐ không đủ tiền mua một suất cơm bình dân và càng không đủ tiền ăn một bát phở. Lương tối thiểu giờ phải cao hơn lương tối thiểu tháng, vì giá sinh hoạt rất cao” – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng đề nghị.
Trả lương theo giờ đồng nghĩa với NLĐ phải làm với cường độ rất căng. NLĐ làm việc hưởng lương theo tháng có lợi hơn so với chia nhỏ theo ngày và giờ. Từ quan điểm này, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ kiến nghị: Tất cả những khoản công nhân lao động được hưởng đều phải cộng vào lương tháng rồi mới chia ra lương theo giờ. Tiền lương theo tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn, không được tính cả giờ làm thêm vào. NLĐ làm những công việc được hưởng chế độ phụ cấp phải tính vào lương tháng rồi chia ra lương theo giờ.
Bộ LĐTB&XH đề xuất, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.00 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu này tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 180.000 – 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Tiền lương tối thiểu tháng hiện nay đang áp dụng cho trên 12 triệu NLĐ; hiện vẫn còn khoảng 10 triệu người làm không trọn ngày trọn tháng thì tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu giờ có tính hệ số để bù đắp những thiệt thòi cho NLĐ. Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng lương tối thiểu giờ cao hơn bao nhiêu thì các cơ quan liên quan tính toán hợp lý, phù hợp, tương đối hài hòa và đảm bảo cho NLĐ yếu thế không làm việc trọn ngày, trọn tháng.
Về việc Bộ LĐTB&XH lo lắng, nếu tính mức lương tối thiểu giờ cao hơn lương tối thiểu tháng thì NLĐ sẽ chuyển từ hưởng lương tháng, làm việc trọn thời gian sang hưởng lương giờ, nhiều chuyên gia không đồng tình vì thực tế sẽ không xảy ra như vậy. Trong bối cảnh thị trường lao động linh hoạt, đa dạng thì cần có mức lương tối thiểu giờ phù hợp, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
“Phần cao hơn chỉ là bù đắp những thiệt thòi của NLĐ yếu thế như không đảm bảo việc làm bền vững, không tham gia các chế độ an sinh xã hội, chế độ phúc lợi (thời giờ nghỉ lễ, tết); chứ không phải cao hơn hẳn so với lương tối thiểu tháng. Hệ số này chính là đảm bảo cân bằng quyền lợi của NLĐ giữa hai khu vực, cho nên không lo chuyện NLĐ chuyển từ khu vực hưởng lương tháng sang khu vực hưởng lương giờ” – ông Lê Đình Quảng giải thích.