Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Đông dương (Banque de l'Indochine, viết tắt BIC) được thành lập ngày 21/1/1875 và được Chính phủ Pháp trao đặc quyền phát hành đồng bạc Đông Dương bằng kim loại và giấy dùng trong toàn cõi Đông Dương. Năm 1879, đồng bạc Đông Dương đầu tiên được phát hành, chính thức bị bãi bỏ ngày 31/12/1954.

Tiền kim loại

Tiền Đông Dương được chia thành các đơn vị piastre, cent/centime và sapèque. Một piastre bằng 100 cent. Một cent bằng 2 - 6 sapèque tùy theo từng giai đoạn. Mặt trước của các tờ tiền giấy hoặc tiền kim loại ghi bằng tiếng Pháp. Mặt sau ghi bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ, chữ Lào và chữ Khmer, song cũng có lúc chỉ ghi chữ Pháp.

Tiền kim loại gồm các mệnh giá: 1 piastre, 50 cent, 20 cent, 10 cent, 5 cent, 1 cent, 1/2 cent, 1/4 cent, 1/5 cent. Trên đồng tiền có các ký hiệu thể hiện những quy định rất quy củ và chặt chẽ như số lượng phát hành, nơi đúc. Tiền được đúc bằng đồng, bạc, niken, hợp kim ni ken - đồng, kẽm với nhiều hình dáng, kích thước, ký hiệu bảo an, họa tiết và rất đa dạng gắn liền với diễn biến lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị của mỗi thời kỳ ứng với các đợt đúc/phát hành tiền.

Trước tiên là Tiền Nam Kỳ thuộc Pháp - Cochinchine (1875 - 1885), gồm hai loại bằng đồng và bạc.

Đồng Đông Dương từng là đơn vị tiền tệ chính thức được sản xuất và lưu hành tại Bán đảo Đông Dương. Ảnh tư liệu
Đồng Đông Dương từng là đơn vị tiền tệ chính thức được sản xuất và lưu hành tại Bán đảo Đông Dương. Ảnh tư liệu

Đồng tiền đầu tiên là tiền 1 cent 1875K vốn được đúc bằng đồng đỏ để phát hành tại Pháp nhưng lại được đem sang Việt Nam sử dụng. Tiếp đó là hai loại tiền dành riêng cho Nam Kỳ là tiền 1 cent Bách phân chi nhất và tiền 1/5 cent Sapèque (đồng hai xu điếu).

Tiền bằng bạc giai đoạn này có 4 loại mệnh giá khác nhau: 1 piastre (quy đổi là 100 cent), 50 cent, 20 cent và 10 cent.

Tiền Đông Dương - Indochine (1885 – 1945): Từ 1885 đến 9/3/1945, BIC đưa vào lưu thông 210 mẫu đồng tiền kim loại Đông Dương Indochine, gồm 12 mệnh giá: 1 piastre, 50 cent, 20 cent, 10 cent, 5 cent, 1 cent, 1/2 cent, 1/4 cent, 1/5 cent, 1/6 cent và 1 tael, 1/2 tael dùng cho việc ngoại thương với nước khác. Ngoài 210 mẫu nói trên, trước thời điểm thành lập Liên bang Đông Dương (17/10/1887), BIC đã đưa vào lưu thông 6 mẫu đồng tiền kim loại Cochinchine với 5 mệnh giá khác nhau.

Tiền bằng đồng: Từ nửa cuối 1885 - 1895, phát hành 9 mẫu đồng xu Bách phân chi nhất 1 cent. Từ 1896 - 1939 phát hành 38 mẫu đồng xu Bách phân chi nhất.

Từ 1935 - 1940 phát hành 6 loại đồng xu mệnh giá 1/2 cent.

Từ 1887- 1902, tiếp tục cho phát hành tiền xu sapèque có mệnh giá 1/5 cent bằng đồng.

Tiền bằng bạc: Tiền 1 piastre: Ngày 28/12/1885, chính thức lưu hành đồng bạc piastre. Từ 1885 - 1931, cho phát hành 36 đồng kim loại bạc mệnh giá 1 piastre với nhiều trọng lượng khác nhau. Tiền 50 cent: Từ 1885 - 1936, phát hành 5 mẫu đồng xu bạc mệnh giá 50 cent vào các năm 1885, 1894, 1895, 1896 và 1936. Tiền 10 cent: Từ 1885 - 1937, phát hành 36 mẫu đồng xu bạc mệnh giá 10 cent.

Tiền niken và hợp kim niken - đồng: Năm 1939, phát hành 3 loại đồng xu hợp kim niken - đồng có mệnh giá 20 cent.

Từ 1939 - 1941, cho phát hành 5 loại đồng xu mệnh giá 10 cent bằng hợp kim niken - đồng.

Từ 1923 -1939 cho phát hành 8 loại đồng xu mệnh giá 5 cent bằng hợp kim niken - đồng.

Ngoài ra, trong các năm 1943 và 1944, còn phát hành 6 loại đồng xu “ngoại thương” bằng bạc với mệnh giá 1 tael và 1/2 tael nhằm mục đích trao đổi buôn bán giữa Bắc Kỳ với Lào, thường được dùng vào việc mua bán thuốc phiện giữa Việt Nam với Lào và Trung Quốc nên dân gian gọi là đồng xu Á phiện.

Tiền bằng kẽm, gồm có: Trong hai năm 1940 - 1941, phát hành 3 loại tiền xu bằng kẽm với mệnh giá 1 cent.

Trong hai năm 1939 - 1940, phát hành 2 loại tiền xu mệnh giá 1/2 cent bằng kẽm.

Từ 1942 - 1944, phát hành 3 loại đồng xu kẽm, mệnh giá 1/4 cent.

Từ 1902 - 1905, phát hành 1 loại đồng xu mệnh giá 1/6 cent bằng kẽm.

Tiền bằng nhôm: Năm 1943, phát hành loại đồng xu bằng nhôm mệnh giá 1 cent, 5 cent.

Tiền Đông Dương từ 1945 - 1954: Sau khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, BIC khôi phục hoạt động ở Nam kỳ, tiếp tục phát hành tiền tệ trong vùng chiếm đóng. Trong thời gian này Cục Quản lý tiền tệ của Pháp và BIC đồng thời phát hành tiền kim loại và tiền giấy ở Đông Dương. Tiền kim loại gồm các mệnh giá 1 piastre và 50 cent bằng hợp kim niken - đồng; 20 cent, 10 cent và 5 cent bằng nhôm.

Tiền 1 piastre bằng hợp kim nike – đồng phát hành trong các năm 1946 và 1947. Tiền 20 cent bằng nhôm phát hành năm 1945. Tiền 10 cent bằng nhôm phát hành năm 1945. Tiền 5 cent bằng nhôm phát hành năm 1946.

 

Đồng bạc Đông Dương đã góp phần thúc đẩy phát triển nền tài chính/tiền tệ và giao thương của kinh tế Việt Nam thời thuộc Pháp. Mặt khác, nhìn từ hôm nay, có thể thấy nó còn lưu giữ nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa gần một thế kỷ của Việt Nam và các nước Đông Dương thời Pháp thuộc.

Ngoài ra, sau khi công nhận quyền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp (8/3/1949), Pháp ngưng phát hành tiền Đông Dương và thay vào đó là các loại tiền do Viện phát hành ba quốc gia liên kết và chính quyền Bảo Đại phát hành. Đến năm 1951, Pháp tuyên bố các nước Đông Dương có quyền phát hành tiền tệ riêng. Tiền liên minh Đông Dương do chính phủ Bảo Đại phát hành gồm 01 bộ tiền kim loại bằng nhôm và 2 bộ tiền giấy.

Tiền giấy Đông Dương

Sau khi thành lập chi nhánh Sài Gòn, BIC phát hành tiền giấy cùng với tiền kim loại. Từ 1875 – 1955 có 6 giai đoạn phát hành tiền giấy Đông Dương. Mỗi giai đoạn lại chia thành nhiều kỳ; Trong mỗi kỳ có thể có nhiều đợt. Tiền giấy được in ở nhiều nơi, có nhiều mệnh giá, kích thước, màu sắc và họa tiết, chữ ký khác nhau. Đáng chú ý là hình minh họa có rất nhiều hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tiền giấy phát hành giai đoạn 1875 - 1923 gồm 6 kỳ phát hành sau, gồm nhiều mệnh giá: 1 piastres, 5 piastre, 20 piastres, 100 piastre; 10 cent, 20 cent và 50 cent.

Tiền giấy trong giai đoạn 1923 - 1939 phát hành trong 4 đợt, gồm 8 loại mệnh giá là 1 piastre (có 2 loại), 5 piastre (có 2 loại), 20 piastre (có 2 loại) 100 piastre (có 1 loại) và 500 piastre (có 1 loại).

Tiền giấy phát hành giai đoạn 1940 - 1944 đã có thay đổi khi BIC được phát hành những loại tiền hào mệnh giá nhỏ (1 hào bằng 10 xu), gồm 3 kỳ phát hành, có các mệnh giá: 5 cent, 10 cent, 20 cent, 50 cent.

Tiền giấy phát hành giai đoạn 1942 - 1951 chủ yếu để phục vụ bộ máy của quân đội Nhật lúc này đã tràn vào Đông Dương, gồm các mệnh giá: 1 piastres (một đồng vàng), 5 piastre (năm đồng vàng), 20 piastre (hai chục đồng vàng), 100 piastres (một trăm đồng vàng) do họa sĩ Việt Nam vẽ và in tại Hà Nội.

Tiền giấy giai đoạn 1947 - 1954, do Cục Quản lý tiền tệ Pháp và BIC phát hành, gồm 2 kỳ phát hành, các loại mệnh giá khác nhau từ 1 piastre, 20 piastre, 100 piastre, 500 piastre; 1 piastre (giấy một đồng vàng), 50 piastre (năm chục đồng vàng) và 100 piastre (một trăm đồng vàng).

Tiền giấy trong giai đoạn 1952 - 1955 do chính quyền Bảo Đại phát hành và được dùng trong Liên minh Đông Dương gồm các mẫu tiền giấy 1, 5, 10, 100, 200 đồng.

Đồng bạc Đông Dương đã góp phần thúc đẩy phát triển nền tài chính/tiền tệ và giao thương của kinh tế Việt Nam thời thuộc Pháp. Mặt khác, nhìn từ hôm nay, có thể thấy nó còn lưu giữ nhiều trầm tích lịch sử, văn hóa gần một thế kỷ của Việt Nam và các nước Đông Dương thời Pháp thuộc.