KTĐT - Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus ngày 3/11 đã ký Hiệp ước Lisbon. Đến nay, toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đều đã hoàn thành trình tự phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/12/2009, tiến trình nhất thể hoá châu Âu lại có thể khởi hành.
Có thể nói, quá trình Czech cuối cùng ký Hiệp ước Lisbon đã phản ánh chặng đường gian nan của Hiệp ước này được các nước Liên minh châu Âu phê chuẩn. Tháng 12/2007, tại Bồ Đào Nha, nhà lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp ước Lisbon thay cho Hiến pháp EU bị hủy bỏ do phản ứng không thuận lợi tại một số cuộc trưng cầu dân ý tại các nước thành viên, tạm thời đánh dấu chấm dứt cuộc khủng hoảng lập Hiến kéo dài hai năm của EU. Theo trình tự, Hiệp ước Lisbon cần được các nước thành viên phê chuẩn và sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2009\. Song tiến trình phê chuẩn Hiệp ước sau đó không suôn sẻ, tháng 6/2008, cuộc trưng cầu dân ý của Ireland đã phủ quyết Hiệp ước Lisbon, Tổng thống Đức và Ba Lan cũng đã tạm gác lại việc ký Hiệp ước sau khi đã được Quốc hội phê chuẩn, Tổng thống Czech V. Klaus công khai bày tỏ ủng hộ kết quả trưng cầu dân ý của Ireland.
Để tránh tái diễn vụ Hiến pháp EU bị chết yểu, Liên minh châu Âu đã triển khai sự cố gắng mới. Sau khi đưa ra một loạt bảo đảm đối với Ireland, cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai của Ireland diễn ra tháng 10 năm nay đã phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, gỡ bỏ trở ngại lớn nhất cho của Hiệp ước. Tổng thống Ba Lan sau đó đã ký Hiệp ước. Czech trở thành nước duy nhất còn chưa hoàn thành trình tự phê chuẩn. Đứng trước sức ép lớn mạnh ở trong và ngoài nước, Tổng thống V, Klaus buộc phải tìm bậc thang cho mình. Ông yêu cầu EU cần phải bảo đảm để Czech được hưởng quyền miễn trừ trong Hiến chương quyền cơ bản của EU, để đảm bảo Đạo luật Benet về tịch thu tài sản người Đức sau Đại chiến thế giới thứ hai tiếp tục có hiệu lực, tránh phương hại lợi ích quốc gia và nhân dân Czech. Tại Hội nghị Cấp cao EU tổ chức mới đây ở Bruseles, EU đã đáp ứng yêu cầu của Czech. Tổng thống V. Klaus rốt cuộc cũng đã thừa nhận ông không thể ngăn cản Hiệp ước cuối cùng có hiệu lực.
So với sự nhất trí của Tổng thống V. Klaus, các nhà chính trị EU đã thở phào nhẹ nhõm. Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Jerzy Buzek nói "Đây là một thông tin lớn mà chúng ta trông đợi từ lâu. Việc phê chuẩn này đã hoàn tất toàn bộ tiến trình thông qua hiệp ước của tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu. Giờ đây, EP sẽ nghe điều trần của Ủy ban châu Âu mới càng sớm càng tốt. Công việc này có thể bắt đầu tiến hành vào ngày 25/11. Đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta cần sớm có một Ủy ban châu Âu vững mạnh. Chúng ta phải triển khai các chính sách của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tình trạng thất nghiệp và xây dựng chính sách năng lượng chung của châu Âu. Trên cơ sở Hiệp ước Lisbon, EP sẽ thực thi đầy đủ vai trò của mình".
Thủ tướng Thụỵ Điển Fredrik Reinfeldt, Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu nói, “Điều này đã dọn đường cho việc xây dựng Liên minh châu Âu dân chủ, minh bạch và hữu hiệu hơn”
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hoan nghênh việc hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, cho rằng điều này sẽ thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và EU. Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU tại Washington, ông Obama nói: "Tôi tin rằng một EU được tăng cường và đổi mới sẽ là một đối tác xuyên Đại Tây Dương, thậm chí còn tốt hơn với Mỹ".
Sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của Liên minh châu Âu sẽ có sự thay đổi chủ yếu về ba mặt. Một là, xoá bỏ cách làm trước đây do người đứng đầu nước Chủ tịch luân phiên làm Chủ tịch Hội đồng EU, lập chức Chủ tịch Thường trực Hội đồng, tức là "Tổng thống Liên minh châu Âu", để thay mặt EU tại các diễn đàn quốc tế. Hai là, hợp nhất hai chức vụ Cao ủy về chính sách ngoại giao và an ninh của Hội đồng EU và Cao uỷ về Quan hệ đối ngoại của Uỷ ban châu Âu, lập chức Cao uỷ phụ trách chính sách ngoại giao và an ninh của EU, tương tự như Ngoại trưởng, đồng thời mở rộng quyền hạn của chức vụ này, nhất là trao quyền tài chính viện trợ đối ngoại cho chức vụ này. Ba là, đưa một số lĩnh vực chính sách vốn cần phải được các nước EU trên nguyên tắc thông qua quy về lĩnh vực cơ chế biểu quyết đa số, để tránh cục diện khó xử một khi chính sách nào đó không được thông qua vì một nước phản đối, nâng cao hiệu suất của cơ chế vận hành.
Ngay sau khi Czech phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, dỡ bỏ rào cản cuối cùng trong tiến trình phê chuẩn văn kiện cải cách của EU, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt, Chủ tịch luân phiên của EU, tuyên bố bắt đầu ngay các cuộc tham vấn để lựa chọn những quan chức cấp cao của khối này. Ông Fredrik Reinfeldt cho biết sẽ sớm triệu tập một cuộc họp đặc biệt các nguyên thủ và người đứng đầu nhà nước 27 quốc gia thành viên EU để bầu chọn Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao EU - những người sẽ đại diện cho "gương mặt" và "tiếng nói" của khối này khi Hiệp ước Lisbon dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/12 tới.
Các nguồn tin ngoại giao từ Bruselles cho biết, cho đến nay, Thủ tướng Bỉ Herman van Rompuy được coi là gương mặt có nhiều triển vọng nhất trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nhất đầu tiên của EU theo Hiệp ước Lisbon. Tại Hội nghị thượng đỉnh của EU ở Bruselles tuần qua, các quan chức EU đã đạt được sự đồng thuận về việc ông Herman van Rompuy trở thành Chủ tịch EU. Nguồn tin nói rằng "không ai khác có thể có được sự ủng hộ hoàn toàn" như vậy tại các cuộc thảo luận không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu nhà nước của EU.
Trong số các gương mặt được coi là nằm trong tầm ngắm vào chức Bộ trưởng Ngoại giao EU có Ngoại trưởng Anh David Miliband, Uỷ viên châu Âu về vấn đề mở rộng EU Olli Rehn và cựu Ngoại trưởng Áo Ursula Plassnik.
Việc Cộng hòa Czech phê chuẩn Hiệp ước Lisbon được coi là một thành công quan trọng của EU trong quá trình nhằm cải cách EU, nâng cao vị thế của khối này trên trường quốc tế./.