Đây không đơn thuần là những sự cố hay sự nhầm lẫn thông thường mà thực sự là tiếng chuông báo động về lỗ hổng trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không ở nước ta.
Sự việc ồn ào xảy ra vào trưa 3/3, trong lúc làm công tác đón khách lên tàu bay cho chuyến bay của hãng Vietnam Airlines từ Vinh (tỉnh Nghệ An) đi TP Hồ Chí Minh, tiếp viên hàng không bất ngờ phát hiện một nam thanh niên không có tên trong danh sách hành khách và cũng không có thẻ lên máy bay. Kết quả kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, nam thanh niên này đã trèo qua tường để vào sân bay Vinh rồi không biết bằng cách nào đó, lại tiếp tục vượt qua nhiều chốt đảm bảo an ninh khác để tới cầu thang trèo lên máy bay. Không những thế, khi xác minh nhân thân của “vị khách không mời” này, cơ quan chức năng phát hiện thêm một chi tiết “giật mình” nữa là anh ta có tiền sử bệnh tâm thần, đang trong quá trình điều trị. Dù sự việc được ngăn chặn kịp thời nhưng các chuyên gia nhận định, việc để đối tượng xâm nhập trái phép vào khu bay và lên tàu bay là sự việc uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng không. Đặt giả thiết, nếu như kẻ đột nhập là đối tượng có động cơ xấu thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Hoặc kể cả trường hợp người thanh niên vượt qua các hệ thống hàng rào an ninh lên máy bay chỉ vì mục đích muốn được bay “chùa”, nhưng với một người đang điều trị bệnh tâm thần, trong một tích tắc chứng bệnh tái phát không kiểm soát được hành vi, câu chuyện sẽ đi đến đâu?.Trước đó, cũng trên chuyến bay của Vietnam Airlines, đã xảy ra một sự cố với tính chất nghiêm trọng không kém. Ngày 20/2, một hành khách đi chuyến bay VN943 từ TP Hồ Chí Minh đi Yangon (Myanmar) không hiểu sao lại bị xếp nhầm lên chuyến bay VN651 đi Singapore. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn trên được nhà chức trách xác định, là do quá trình kiểm soát hệ thống đọc thẻ lên tàu bay bị trục trặc, khiến nhân viên hàng không phải kiểm tra bằng phương pháp thủ công. Chính trong lúc làm việc thay máy móc, sự cố đã xảy ra. Rất may sự việc đã được phát hiện kịp thời, hành khách bị xếp nhầm sau đó được đưa trở lại đúng chuyến bay mình đã đặt, trước khi cả hai máy bay cất cánh. Giả sử, nếu sự cố tồn tại đến khi máy bay đã rời khỏi mặt đất thì chẳng hiểu hãng hàng không và vị khách trên sẽ phải xử lý như thế nào với tình huống này.Hai sự cố nghiêm trọng xảy ra trong vòng chưa đầy 15 ngày, ngành hàng không đều đưa ra hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với những người liên đới trách nhiệm. Song thiết nghĩ, với lỗi được nhận định là uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng không thì có lẽ, chỉ xử phạt những người liên quan là chưa đủ. Đã đến lúc, ngành hàng không cần xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện về hệ thống an toàn, an ninh hàng không của chính mình, đặc biệt là yếu tố con người để tránh những sự cố tương tự sẽ lặp lại trong tương lai. Điều này không chỉ vì uy tín của ngành mà còn vì sự an toàn của chính những “thượng đế” mà ngành đang ngày đêm phục vụ.