Đầu tiên, phải biểu dương HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa 16, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã khẩn trương tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly và mức hỗ trợ cho người tham gia trực chốt phục vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (còn gọi là Covid-19) trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề mới, các quy định của pháp luật chưa bao quát hết được tình huống xẩy ra thực tế tại địa phương.
Sau đó Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết theo đó, người có hộ khẩu thường trú và tạm trú trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng phải cách ly tập trung hoặc cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế được hỗ trợ tiền ăn 60.000 đồng/người/ngày; người cách ly tại cộng đồng theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày.
Trong khi Chính phủ đang đưa các giải pháp kích cầu du lịch thì UBND tỉnh Quảng Ninh lại không cấp phép cập cảng tàu du lịch Aida Vita. Trên tàu Aida Vita có hơn 1.116 khách châu Âu (không có khách châu Á), xuất phát từ Bali, Indonesia ngày 17/1, đã qua 9 cảng khác trên thế giới nhưng không qua Trung Quốc và Hong Kong.
Rõ ràng cần có quy định chi tiết, những trường hợp nào thì không cấp phép, trường hợp nào thì tỉnh còn phải khuyến khích. Chính phủ đã có chỉ đạo các địa phương phải bảo đảm vừa chống Covid-19 nhưng không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch.
Không đơn thuần khách du lịch tàu biển là dòng khách sang trọng, chi tiêu nhiều mà việc Quảng Ninh không cấp phép tàu cập cảng mà không theo thông lệ quốc tế sẽ ảnh hưởng đến môi trường du lịch sau này. Điều này khiến sau đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Rồi khi trường hợp một người phụ nữ ở TP Quảng Ngãi đi thăm người thân từ Vĩnh Phúc (nơi có dịch Covid - 19) không chịu cách ly tại nhà vì 'bận mưu sinh' và yêu cầu được hỗ trợ 250.000 đồng/ngày mới chịu cách ly.
Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Nguyễn Văn Anh cho rằng: “Đòi hỏi hỗ trợ 250.000 đồng/ngày không có cơ sở nên chúng tôi không thể đồng ý”. Để rồi chỉ để riêng một trường hợp này nhưng UBND TP Quảng Ngãi đã phải tiến hành họp nhanh với UBND xã Tịnh An về trường hợp của người phụ nữ này.
Thông tư số 32/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế bao gồm: ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV, ca bệnh có thể nhiễm nCoV, ca bệnh xác định nhiễm nCoV… trường hợp bị cách ly thì người cách ly phải trả chi phí.
Nhưng thực tế đã xảy ra trường hợp khách nước ngoài hết tiền lưu trú chỉ đủ thuê khách sạn có vài ngày, trong khi điều kiện cách ly bắt buộc là 14 ngày thì làm như thế nào? Nếu khách sắp hết hạn visa thì giải quyết ra sao? Bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có thể vận động chủ khách sạn ủng hộ hay du khách, người dân tự giác chấp hành.
Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” đòi hỏi các địa phương phải chủ động và sáng tạo đưa ra các phương án giải quyết. Nhưng rõ ràng sau khi hết dịch, cần phải có tổng kết các vướng mắc để sớm điều chỉnh hành lang pháp lý mà thực tiễn vướng mắc, có thế chúng ta mới không lúng túng khi đối diện với dịch.