[Tiếng dân] Hậu phương tiếp sức tiền tuyến

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến giờ, Bộ Y tế đã điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TP Hồ Chí Minh đã có 6 trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.

Về nhân lực, Bộ Y tế đã huy động trên 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình chủ động chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19.
Như vậy, Chính phủ đã tập trung huy động tổng lực: Nhân lực, thuốc, trang thiết bị cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Những người chồng, cha chia tay gia đình lên đường đến tuyến đầu chống dịch, những người mẹ, người vợ nén lại nỗi lo thường nhật để tập trung bảo vệ sức khỏe người dân. Điều băn khoăn nhất của những người bố, người mẹ trong vùng dịch là làm thế nào để chăm sóc người thân, cha già, mẹ yếu những con thơ đang phải học online.

Đối với những gia đình đội ngũ y, bác sĩ, công an, bộ đội trên tuyến đầu chống dịch có con đang theo học online bậc tiểu học không khỏi lo lắng, nhất là những gia đình cả bố, mẹ đều tham gia chống dịch. Đến giờ, tùy theo từng gia đình đều đang có các cách giải quyết khác nhau, trong đó phần lớn đều tự cố gắng thu xếp trong khả năng tối đa có thể. Nhưng trong hoàn cảnh việc đi lại giữa các tỉnh, thành, quận huyện trong thời gian giãn cách đang gặp rất nhiều khó khăn, không ít ông, bà, cô, chú thương cháu nhưng ngoài lời động viên từ xa cũng khó lòng giúp các em học sinh nhỏ học tập.

Trang tin Giới trẻ Tiin.vn và Tổ chức Giáo dục Blacasa Việt Nam triển khai dự án cộng đồng “Học cùng chiến binh nhí” sẽ hỗ trợ học tập cho con em đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu bằng cách triển khai các đội hình gia sư tình nguyện, cùng học với các em. Dự án sẽ tiếp nhận 2 loại thông tin: Những người đang tham gia lực lượng tuyến đầu ở Thủ đô có nhu cầu tìm gia sư cho con em; các thầy, cô giáo, sinh viên tình nguyện trên phạm vi cả nước có mong muốn trở thành gia sư hỗ trợ những người đang chống dịch.

Sau khi tiến hành xác minh, thẩm định hồ sơ gia sư, dự án sẽ lên thời khóa biểu và sắp xếp lớp học, chương trình học đối với từng học sinh; đồng thời, hỗ trợ tối đa các vấn đề về tổ chức, kết nối, kỹ thuật, giáo án; giám sát quá trình dạy và học…

Đây thực sự là tin vui khi thông tin này đến với hàng nghìn người đang ngày đêm căng mình chống dịch trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bởi nếu như các tổ chức Đoàn, Sở Giáo dục các tỉnh, thành trong cả nước bắt tay vào cuộc thì không chỉ Hà Nội mà tất cả các học sinh trên toàn quốc có bố mẹ đang chống dịch cần có sự hỗ trợ trong việc dạy, học online sẽ được quan tâm, giúp đỡ. Làm tốt dự án cộng đồng “Học cùng chiến binh nhí” trong thời điểm này cũng là một cách gián tiếp chống dịch thiết thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần