Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Khôn thế, quê tôi đầy!

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV Bộ GTVT báo cáo 7 trạm BOT phát sinh bất cập gồm trạm Cai Lậy (Tiền Giang); trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); trạm T2 (Cần Thơ); trạm Hòa Lạc - Hòa Bình (Hòa Bình); trạm Bỉm Sơn (Thanh Hóa); trạm trên tuyến QL3 thuộc Dự án xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm Tân Đệ thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp QL10.

Bộ GTVT cho rằng, các địa phương không thể tuyên truyền, thuyết phục người dân tụ tập phản đối mức giá thu phí hoặc phản đối vị trí đặt trạm; đồng thời cũng không thể cân đối nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để mua lại các dự án này. Phương án giảm giá chính thức, tạm miễn thu phí cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí cũng chỉ được coi là phần ngọn của vấn đề.
Rõ ràng “tác giả” đang gặp lúng túng khi giải quyết “tác phẩm BOT” khi “phiên bản bị lỗi” ngay từ lúc “thai nghén” nên không thể cùng lúc đưa ra phương án, tính toán bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn. Tại kỳ họp này, trong khi vẫn còn 5 trạm BOT chưa có lời giải gồm: BOT Bỉm Sơn (Thanh Hóa), BOT QL3 (Thái Nguyên), BOT T2 (Cần Thơ) và BOT La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), Bắc Thăng Long - Nội Bài đã có thêm 1 trạm BOT mới là BOT La Sơn - Túy Loan. Đó là chưa kể trạm BOT Cai Lậy vẫn đang trong thời gian tạm dừng hoạt động.
Những bất cập mà báo cáo của Bộ GTVT gửi tới Quốc hội 2 kỳ gần đây nhất thì Nhân dân ai cũng biết. Nhưng lần này, giải pháp bố trí nguồn vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm của Bộ thì lại không được sự đồng thuận cao của Nhân dân. BOT đang là “cuộc chơi” mà cho đến giờ các “nhà đầu tư” luôn nắm phần lợi. Không một nhà đầu tư nào “ngây thơ” khi bỏ tiền đầu tư mà không hiểu rõ mức giá thu phí hoặc vị trí đặt trạm BOT như vậy sai hay đúng luật, mình được lợi bao nhiêu.
Mấy bác xe ôm Giáp Bát cũng nói: “Ngay như tại Hà Nội, đến đứa học sinh mới bắt đầu đi học, chỉ cần biết nhìn bản đồ cũng hiểu trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vị trí đặt trạm nằm ngoài phạm vi dự án. Thế mà các tiến sĩ, các nhà quản lý giao thông của bộ lại dễ dàng chấp nhận cho các nhà đầu tư đặt trạm BOT như vậy”.
Để rồi, khi dư luận đồng loạt phản đối thì Bộ lại đưa ra phương án dùng vốn ngân sách nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Nói như các cụ quê em “khôn thế, quê tôi đầy” bởi nói cho cùng tiền ở túi cá nhân người dân hay ngân sách quốc gia cũng đều là tiền dân. Xót tiền dân lắm ông Bộ ơi!
Chả biết các chuyên gia Bộ GTVT và nhà đầu tư thỏa thuận những gì, nhưng đến giờ người dân chả thấy ai bị thiệt trong “trò chơi mang tên BOT”, cũng chả thấy ai đi tù hay bị kỷ luật. Tiền đầu tư thì nhà đầu tư cũng được “cài cắm” ngân hàng vào cuộc chơi, nghĩa là các nhà đầu tư cũng gần như “tay không bắt giặc”, rốt cuộc chỉ thấy Nhân dân và quốc gia là thiệt.
Bộ GTVT đang chuyền “quả bóng BOT” ra khỏi chân mình bằng những trang báo cáo mà người ta không thấy lỗi của cơ quan quản lý nhà nước trước vấn đề nóng của dư luận.