Khác với ngày xưa, mỗi làng chỉ có một anh mõ, thuộc dạng lợi khẩu nên những thông tin phát ra không chuẩn phần thì ít, độ phát tán lại hẹp, nên ít chuyện đàm tiếu. Ngày nay, với sự bùng nổ của truyền thông, người ta ngày càng nghe nhiều những câu nói chướng tai, bên Tây cũng có mà bên ta cũng nhiều.
Mới đây, một Bộ trưởng khi bị Quốc hội chất vấn đã hồn nhiên trả lời: “Trách nhiệm là tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Biết làm thế nào được, thời gian không còn nữa, nhiệm kỳ sắp hết”. Một vị Bộ trưởng khác bảo BOT sai là do các vị tiền nhiệm trong khi chính ông ta chứ không ai khác là người đã ký BOT Cai Lậy.
Một chuyện khác, gần đây, một vị tướng nói hiếp dâm trẻ em không nguy hiểm bằng hiếp dâm người lớn và cho tại ngoại là hợp lý! Năm ngoái, người dân không khỏi giật mình khi ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới nhận định kỳ thi THPT và cũng là thi tuyển Đại học năm 2018 là thành công tốt đẹp, mọi việc công bằng, công khai. Chỉ mấy ngày sau đã lộ ra hàng loạt vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn... đến mức phải khởi tố.
Gần đây nhất, sau vụ cháy tại Rạng Đông, trước đông đảo phóng viên báo chí theo dõi đưa tin, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân hồn nhiên, đối chiếu với các tiêu chuẩn của quốc tế, tại điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty và nhà kho bị cháy thì giá trị thủy ngân cao vượt ngưỡng từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người).
Nhưng khi Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - TS. Kidong Park cho rằng, với mức độ thủy ngân trong các mẫu môi trường được thu thập từ vụ cháy của Công ty Rạng Đông, hiện không thể so sánh trực tiếp với các tiêu chuẩn của WHO - tiêu chuẩn an toàn về không khí của WHO chỉ đưa ra mức độ trung bình năm, trong khi con số mà Bộ TN&MT đưa ra lại đang xét đến là ở 1 thời điểm nhất định; mức tiêu chuẩn an toàn về nước của WHO là đối với nước uống, còn mức độ ô nhiễm thủy ngân trong nguồn nước hiện tại lại không phải là nước uống.
Lập tức, tối 7/9, trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT, thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường của Bộ, sau vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) áp theo tiêu chuẩn WHO với thông tin vượt ngưỡng từ 10 - 30 lần đã biến mất một cách lặng lẽ “không kèn, không trống”.
Những kiểu “vạ miệng” như thế đang làm giảm sút lòng tin của người dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước, làm xấu đi hình ảnh của cá nhân quan chức. Khi người phát ngôn thay mặt cho công quyền thì một lời đáng giá nghìn vàng, lời nói có sức ảnh hưởng lớn. Không thể mang lời nói ra để đùa, không thể nói xong lại “rút”, hoặc xin lỗi. Trong trường hợp này thì ngay cả lời xin lỗi muộn màng của Bộ TN&MT cũng không có nốt (?!!).
“Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” để có những lời nói đẹp, nói chuẩn, người nói trước hết cần trau dồi nhận thức, vốn liếng văn hóa và kỹ năng ứng xử. Lâu nay khá nhiều quan chức Việt Nam bị vạ miệng có lúc do quá “trung thực” có lúc lại do vụng về nhưng có lúc cũng do không nắm vững vấn đề hoặc bí lời, nói nghịu (nghĩ một đằng, nói một nẻo).
Căn bệnh “vạ miệng” của các nhà quản lý, lãnh đạo ngày càng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do người quản lý không hiểu ngôn từ hoặc nghĩ rằng lời nói của họ bao giờ cũng đúng. Họ muốn nói thế nào thì nói, thậm chí họ nói mà có người không nghe, họ sẽ sử dụng quyền hành hiện có của mình để chấn chỉnh.
Người làm quản lý hiện đang nhầm lẫn là họ hiểu biết tất cả, họ nghĩ họ quản lý thì họ là trên hết. Đây là một nhận thức sai lệch gây ra những hệ lụy xấu đối với xã hội rất cần có “toa thuốc” điều trị.