[Tiếng dân] Vẫn vướng nhiều bề!

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đang tập trung phát triển các dự án đô thị mới với tốc độ chóng mặt nhưng đầu tư cho cải tạo, tái thiết lại đô thị cũ vẫn diễn ra ì ạch. Số lượng các dự án cải tạo chung cư cũ được triển khai còn rất ít, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay trong những năm qua.

Điểm chung nghẽn chính là các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách khiến nhà đầu tư rất mệt mỏi, chùn bước. Dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, đến nay gần chục năm mới triển khai cải tạo được vài tòa nhà. Quá chậm so với nhu cầu bức xúc của người dân và xã hội!
 Một góc Hà Nội từ trên cao.
Nếu như TP cần có được bộ mặt đô thị đẹp, phù hợp quy hoạch thì các nhà đầu tư cần thấy lợi nhuận ở đâu khi bỏ vốn, bỏ công sức. Còn chủ nhân của các chung cư xập xệ cũng yêu cầu quyền lợi thỏa đáng trước khi di dời khỏi những vị trí đắc địa. Họ đã phải bỏ ra không ít tiền để mua căn hộ theo Nghị định 61/2004 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nên hoàn toàn được quyền định đoạt tài sản.
Đến thời điểm này, UBND TP đã giao cho 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ trên địa bàn. Mặc dù chúng ta đã có Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Thủ đô nhưng những câu hỏi: Nhà cấp độ D mới được phá dỡ cải tạo, việc xác định niên hạn hay xuống cấp căn cứ vào thời gian hay thực trạng? Bồi thường cho nhà tầng 1 tăng hệ số bao nhiêu? Phần diện tích cơi nới của họ trước năm 1993 có được giải quyết không?... vẫn là những vấn đề còn phải bàn thảo.
Một trong những vấn đề nóng lên tại bàn nghị sự phiên họp HĐND TP Hà Nội được dư luận Thủ đô quan tâm là tiến độ thực hiện quy hoạch và triển khai cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Vướng những gì? Cấp nào sẽ phải vào cuộc tháo gỡ và bao giờ thì triển khai?
Đại diện Sở QH-KT thông tin hiện có 2 phương án được trình lãnh đạo TP. Trong đó phương án 1, theo đúng tầng cao và chỉ tiêu dân số theo quy hoạch, quy chế cao tầng được phê duyệt. Phương án 2 điều chỉnh chiều cao, chỉ tiêu để đảm bảo cân đối tài chính dự án.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Những vướng mắc sẽ phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội thì mới có thể tháo gỡ. Tới đây Hà Nội sẽ trình cơ quan chức năng trên tinh thần phải cải tạo lại cả khu. Nếu làm được sẽ có thêm hạ tầng giao thông, cây xanh, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên như vậy sẽ vi phạm quy hoạch. Nên phải làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN.
Trong quá khứ, khi bán nhà nói chung và chung cư nói riêng cho dân chúng ta đã quên mất khâu quan trọng đó là thẩm định, đánh giá lại toàn bộ chất lượng chung cư, mức độ xuống cấp và ghi rõ niên hạn sử dụng cho từng khu nhà. Khi đó người dân không thể ở căn nhà xuống cấp đó vô thời hạn mà phải có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình.
Với trường hợp nhà xuống cấp nguy hiểm, pháp luật quy định người dân bắt buộc phải di dời. Khi đó, nhà nước có quyền mua lại toàn bộ các căn hộ này, TP sẽ có quỹ đất sạch và tiến hành đấu giá mời gọi nhà đầu tư.
Không ai phán xét lại quá khứ, nhưng hàng chục chung cư xập xệ và có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào là điều có thực. Nỗi lo của người dân hiện hữu lên khuôn mặt từng ngày và đã đến lúc không thể chậm trễ được nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần