Tiếp bài Hà Nội, ý thức của người đi lễ đền chùa đã thay đổi: Cần hơn một nét văn hóa đi lễ

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mặc dù ý thực đi lễ chùa của nhiều người đã thay đổi, không đi vào ngày làm việc, giảm hóa tiền vàng, mã tại đền, chùa... Thực tế, tại các đền, phủ, chùa người dân đi lễ vẫn còn thiếu nét văn hóa trong những nơi tôn nghiêm và cần văn hóa nhất.

Vẫn cần hạn chế thêm hủ tục đốt tiền vàng

Như đã nói ở bài 1, tục lệ đốt vàng mã trong các đền, chùa đã giảm mạnh. Tuy nhiên, nhận định của một số đại diện các Ban quản lý mà phóng viên đến tìm hiểu cho thấy vẫn còn những người đốt nhiều tiền vàng, chỉ bởi xuất phát từ những hủ tục bói toán, nếp suy nghĩ xưa cũ…

Ông Trương Tín Hồi, Ban quản lý Phủ Tây Hồ cho rằng: Người dân không ai muốn bỏ ra nhiều tiền đốt đi. Tuy nhiên, trong một năm có những gia đình gặp bất an, hoặc đầu năm có ông thầy nói rằng phải tiến bao nhiêu cây vàng khối, đinh tiền để giảm bớt tai ương thì ai chả phải làm. Không làm thì lo sợ ai đó trong gia đình gặp nạn. Chính vì những lý do kể trên mà nhiều người đến Phủ để kêu cầu, tiến tiền vàng. Nhà đền có thể tuyên truyền cho họ giảm bớt lượng tiền vàng chứ không thể cấm, bởi đây là tâm linh và tín ngưỡng đã ăn sâu vào đời sống hàng nhiều đời của người dân.
 Những mâm lễ nhiều vàng khối như thế này vẫn còn xuất hiện tại các đền, phủ, chùa.
 Một mâm lễ vàng khối và các lễ vật quần áo dâng lễ mẫu như thế này từ 180.000 - trên 300.000 đồng/lễ.
Tôi thấy bây giờ mọi người đã thay đổi ý thức thắp hương và hóa vàng mã. Không còn người hóa mã lớn, nhưng vẫn còn nhiều người hóa nhiều tiền vàng, đây vẫn còn là sự lãng phí. Tôi nghĩ, các cơ quan văn hóa, truyền thông cần đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền cho người dân giảm đốt tiền, vàng khi đi lễ, nó không chỉ chống lãnh phí tiền bạc mà còn giảm được gánh nặng ôn nhiễm môi trường và bảo vệ được các di tích không bị xuống cấp nhanh. Đó là chia sẻ của Bà Trần Thị Ngọc, quận Đống Đa, Hà Nội.

Bà Lê Thị Bích, tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Nhiều người còn mang suy nghĩ “trần sao âm vậy” nên khi đi lễ chùa là phải tiến tiền vàng mới yên tâm là đã đắc lễ. Nếu vậy, chỉ cần một lễ tiền vàng là được, nhưng nhiều người vẫn còn tiến một lúc nhiều cây vàng khối, nhiều đinh tiền vàng.

Theo lời những thủ đền, chùa và người dân, phóng viên đã tìm hiểu tại các cửa hàng bán vàng mã khu vực một số đền, chùa, được biết: Chỉ 1 cây vàng khối, lễ quần áo, tiền vàng dâng mẫu dao động từ 180.000 – 300.000 đồng/lễ đóng sẵn. Trong khi đó, nếu người dân chỉ dâng 1 lễ tiền vàng nhỏ dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/lễ.
Như vậy, nếu những người mua lễ ít, còn lại gửi tiền đó vàng hòm công đức thì đã không gián tiếp làm hư hại công trình kiến trúc, ngược lại góp phần bổ sung kinh phí tu tạo di tích.

Chốn linh thiêng vẫn chưa văn hóa

Có lẽ báo chí nhiều năm nay lên án các nhà đền, nhà chùa bày biện quá nhiều hòm công đức, đĩa để tiền lễ. Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên tại một số điểm di tích “nhiều mà vẫn không đủ” đối với người dân. Thêm vào đó, nhiều người đi lễ vẫn bị “chặt chém” khi viết sớ.
 Chị Mai (áo màu đỏ).
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai ở Ba Vì bức xúc chia sẻ: Hôm nay vào trung tâm TP đi lễ chùa đầu năm. Tôi đi chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, Bia Bà, cũng muốn cầu bình an, sức khỏe cho mọi người trong gia đình, các cháu học tập tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đến Phủ Tây Hồ, ở đấy các ông ấy “chặt chém” mất 250.000 đồng/3 lá sớ. Thường thì chúng tôi đi lễ ít khi hỏi giá viết sớ, người ta chỉ viết 20.000 – 30.000/lá sớ chỗ nào cũng vậy. Vì không hỏi trước giá, viết xong 2 chị em tôi mất 500.000 đồng, xót quá nhưng biết làm thế nào. Họ ngồi một hội đồng thế này, tưởng là được nhà nước quản lý chứ ai biết lại bị “chém”.
 ''Hội đồng'' viết sớ tại Phủ Tây Hồ. 
 Mỗi ''Hội đồng'' có một giá viết riêng. Mặc dù mặt quần áo rất quy chuẩn, nhưng giá thì không chuẩn và người đi lễ dễ bị lừa.
Nghe lời chị Mai, tôi đến Phủ Tây Hồ cũng có khá đông lời mời gọi viết sớ. Viết sớ đi cô (khu bàn thứ nhất phóng viên đi qua mời). Bao nhiêu 1 lá sớ bác? 30.000 đồng. Vậy thôi ạ. Thấy phóng viên bước đi thì 1 người nói với ra, 20.000 đồng thôi. Chỉ mấy bước chân lại có một bàn viết sớ tiếp, đúng như lời chị Mai phải đến “một hội đồng” từ 5-7 người ngồi chào viết sớ vào Phủ. Bao nhiêu 1 lá sớ ạ? Phóng viên hỏi. Chỉ có 50.000 đồng 1 lá thôi. Giữa 2 khu bàn cách nhau chưa đến chục bước chân mà đã có những lời mời giá khác biệt. Không biết chị Mai viết ở khu vực bàn nào, nhưng phóng viên đi qua nơi nào cũng chào viết sớ, giá cả không nơi nào giống nơi nào.
Khi phóng viên hỏi ông Hồi, được biết: Ban quản lý chỉ quản lý trong khu vực Phủ. Được sự phối hợp của Công an các cấp để chấn áp tội phạm nên không có tội phạm cướp giật. Việc chèo kéo khách cũng không có. Bên ngoài Phủ các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường thường xuyên nên vẫn đảm bảo trật tự.

Đúng là việc chèo kéo khách mua hàng thì không còn như những năm trước, nhưng có lẽ việc viết sớ ở bên ngoài Phủ vẫn còn lộn xộn về giá cả. Việc viết sớ cần được cơ quan chức năng vào cuộc và phải có quy định rõ các bàn niêm yết giá viết sớ, viết trạng để người dân không bị mất tiền oan, thể hiện nét văn minh chốn linh thiêng và đảm bảo sự công bằng cho mọi người cùng hoạt động dịch vụ tại đây.
 Hòm công đức để ngay bên cạnh, nhưng người dân vẫn để tiền trên đĩa quả, vứt tung tóe trên sập để lễ.
 Phủ Tây Hồ thường xuyên có người thu dọn tiền do người dân lễ nhưng cũng không kịp với việc vứt bừa bãi này.
Bên trong Phủ Tây Hồ, người dân đã đi lễ trật tự khác hẳn nhiều năm trước. Tuy nhiên, tiền lẻ vẫn vứt tung téo trên mặt sập để lễ. Khi được hỏi về việc này, ông Hồi, cho biết: Ban quản lý Phủ Tây Hồ đã phải đặt mỗi cửa thờ một hòm công đức theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, không thể phá vỡ quy định đặt thêm, nhưng nhiều người dân thì vẫn đi lễ theo thói quen cũ “vứt tiền vào nơi lễ” chứ không để theo quy định. Đây là một nét thiếu văn hóa nơi tôn nghiêm cần được chấn chỉnh. Ban quản lý thường xuyên bố trí người dọn nhưng tình trạng này vẫn còn.

Phóng viên muốn nói đến nhiều hòm công đức nhưng “không đủ”, bởi lẽ người ta không bỏ vào hòm mà nhất thiết phải để trên ban, dắt vào đĩa quả, cành hoa… Tại Phủ Tây Hồ, theo quan sát của phóng viên, mỗi gian thờ có đến 5-6 hòm công đức bày từ cửa vào đến bên trong, khách đến thắp hương đông, lúc nào cũng có người đi thu tiền lẻ để trên ban nhưng nếu đi hết lượt quay lại thì tiền lẻ đã khắp mặt ban thờ, sập để lễ.
 Ngay cạnh ban thờ Phật tại chùa Phúc Khánh có đến 2 hòm công đức, nhưng ...
... tiền vẫn được dắt lên đĩa quả.
Chùa Phúc Khánh, mặc dù buổi trưa rất vắng người, bên cạnh ban phật là 2 hòm công đức, nhưng trên mâm quả vẫn có người đặt tiền lẻ lên lễ. Trước ban thờ Đức Thánh Trần là hòm công đức, một người ngồi trước đó nhắc bỏ tiền vào hòm công đức, nhưng vẫn có người cố với qua hòm công đức để đặt 1.000 đồng trên mâm quả.

Bà Quý đã quy Phật nhiều năm và thường xuyên đi lễ chùa cho biết: Giáo lý nhà Phật không giáo hóa cho mọi người là phải tiến tiền vàng. Việc đặt tiền trên ban thờ Phật lại càng sai. Vì Phật ở trong tâm, chỉ cần chén nước, đĩa hoa cũng chứng lễ. Việc nhà chùa đặt hòm công đức cho mọi người đến bỏ một chút tiền để nhà chùa đèn nhang hàng ngày, nhiều thì tu tạo di tích. Đây là việc làm tốt, nhưng cách hành xử của người đi lễ chùa “ném” tiền khắp nơi là chưa đúng văn hóa.
 Tháp tượng phật cũng vứt tiền lẻ.
 Hòm công đức để trước mặt ban thờ nhưng đĩa quả vẫn  đầy tiền lẻ.
Cùng với đó, việc rắc gạo muối khắp các gốc cây và sân ở khu vực hóa vàng mã còn phổ biến ở các đền, chùa, phủ. Mặc dù, tại đây các ban quản lý đã để hẳn biển cấm vứt gạo muối, nhưng biển cũng không có tác dụng.
 Gạo muối rắc đầy gốc cây, mặc dù tại đây đã có thông báo không rắc gạo muối.
 Sân cạnh nơi hóa tiền vàng cũng trắng gạo muối.
Như vậy, theo quan sát của phóng viên và những phản ánh của người dân đi lễ chùa, đền, phủ cho thấy: Thực tế ý thức của người đi lễ đã được nâng lên, các ban quản lý đã làm khá tốt trách nhiệm trong việc quản lý di tích. Tuy nhiên, ở nơi thờ tự vẫn còn đó những cung cách dịch vụ cũ “chặt chém” khách đi lễ, hay nếp hủ tục xưa cũ thiếu văn hóa “vứt”, “dắt” "ném" tiền lễ khắp nơi, gây phản cảm. Cũng như đại diện các ban quản lý là “nếp cũ khó xóa”, nhưng không thể không làm. Nếu Phủ Tây Hồ phải mất 17 năm mới xóa nếp thắp hương trong Phủ, có lẽ cũng cần kiên trì xóa đi hủ tục đốt nhiều tiền vàng và để tiền khắp nơi không theo quy định, xây dựng nét văn hóa, văn minh nơi thờ tự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần