Tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người

Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/7, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Hà Nội tổ chức diễn đàn “Vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kết nối sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản của chuỗi”.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, vệ sinh an toàn thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước, là biểu hiện văn minh của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh, lưu thông, phân phối và người tiêu dùng. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người.
 Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phát biểu khai mạc diễn đàn
Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước, với khoảng 10 triệu dân, hàng năm đón khoảng 20 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, nhu cầu về lương thực, thực phẩm của Thành phố là rất lớn, nhất là thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Sự liên kết giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa thường xuyên. Những người tiêu dùng chủ yếu là hội viên hội phụ nữ, những người có vai trò quyết định bữa ăn của gia đình còn hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm nông sản theo chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.
Hội Phụ nữ là tổ chức chính trị - xã hội với hội viên tham gia vào hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng thực phẩm. Đó chính là cơ sở để Hội tích cực tuyên truyền, vận động, thông tin, giáo dục về vệ sinh an toàn thực phẩm, huy động được nhiều phụ nữ tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các hội viên. Tiến tới thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
 Người dân quan tâm đến sản phẩm thịt lợn ốc quế
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và sử dụng thực phẩm an toàn. Kết nối người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân sản xuất. Tăng cường hoạt động phối hợp giám sát cộng đồng phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đặc biệt, Hội đã xây dựng được gần 130 điểm phân phối các sản phẩm thực phẩm an  toàn trên địa bàn 12 quận nội thành.
Nói về vị trí của Hội Liên hiệp Phụ nữ, ông Tạ Văn Cường - Phó Giám đốc sở NN&PTNN cho rằng: Hội có vai trò to lớn trong công tác phát triển chuỗi, kết nối tiêu thụ nông sản tới người tiêu dùng. Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu. Do vậy, việc hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp, trao đổi sản phẩm nông sản giữa Hà Nội với các địa phương và giữa Hà Nội với các nước là rất cần thiết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần