Tiếp sức cho sản phẩm OCOP khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm triển khai chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên việc tiêu thụ quảng bá lại không hề dễ dàng. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi ngành công thương Hà Nội cần phải xây dựng chiến lược quảng bá, giới thiệu từ đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Nhiều khó khăn trong tiêu thụ

 

Hiện cả nước có hơn 4.400 sản phẩm OCOP của 59 tỉnh, thành đã được đánh giá, phân hạng, trong đó Hà Nội có đến 1.054 sản phẩm. Mặc dù chương trình OCOP đang phát triển nhưng việc tiêu thụ lại không hề dễ dàng, nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu liên kết với DN phân phối để tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp sức cho sản phẩm OCOP khẳng định chỗ đứng trên thị trường - Ảnh 1
 Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại tuần lễ hàng OCOP tổ chức tại siêu thị AEON Long Biên
Lý giải về vấn đề này, đại diện hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội có chung ý kiến, để đưa lên kệ hàng đòi hòi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn của DN bán lẻ như nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATTP. Tuy nhiên, hiện đa phần sản phẩm OCOP do DN nhỏ, làng nghề sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán.

 

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Kim Dung cho biết, mặc dù DN, hợp tác xã đều muốn đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tiêu thụ, nhưng trong quá trình thực hiện lại thiếu chuyên nghiệp nhất là cam kết về số lượng sản phẩm.

 

“Đã không ít lần siêu thị gặp phải hiện tượng DN khi ký hợp đồng luôn cam kết đảm bảo nguồn cung, nhưng chỉ được một thời gian đầu sau đó thì thiếu trước hụt sau” - bà Nguyễn Kim Dung dẫn chứng.

 

Đồng tình với phản ánh này, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong chia sẻ, ngoài nguyên nhân hồ sơ sản phẩm không đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ… đa phần các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chưa chú trọng bao bì, nhãn mác và bảo quản sản phẩm thực phẩm, nông sản; Nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại... “Các bao bì sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thường không bắt mắt, việc đóng gói sơ sài ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm” - ông Lê Mạnh Phong nói.

 

Trong khi đó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, các hệ thống bán lẻ đều có bộ phận chuyên trách để kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, nhà sản xuất phải tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm, ưu tiên việc chứng nhận các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobolGAP... cho sản phẩm. Có tạo được uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường; sản phẩm an toàn mới vào được hệ thống bán lẻ trong các siêu thị.

 

Phát triển điểm tiêu thụ - quảng bán sản phẩm

 

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được TP Hà Nội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường nội địa chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập.

 

Nhằm tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, trong năm 2021, UBND TP Hà Nội đã Kế hoạch số 42/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2021.
Tiếp sức cho sản phẩm OCOP khẳng định chỗ đứng trên thị trường - Ảnh 2
 Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại 176 Quang Trung, quận Hà Đông

 

Theo đó, trong năm 2021, TP Hà Nội phấn đấu phát triển mới 30 - 40 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động. Không dừng ở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc triển khai Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP TP Hà Nội, qua đó tạo thuận lợi cho DN OCOP đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà bán lẻ. Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, in tem nhãn sản phẩm OCOP cấp TP Hà Nội và tích hợp truy xuất nguồn gốc (mã QR)...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc triển khai điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, nhưng Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các quận huyện triển khai xây dựng 14 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, đến nay TP Hà Nội đã có 35 điểm quảng bá, tiêu thụ OCOP.

 

Trong tháng 11/2021 Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Đống Đa, Hoàn Kiếm triển khai 2 điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) và chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm)” - bà Trần Thị Phương Lan thông tin. Không dừng lại ở đó, Sở Công Thương đã tổng hợp danh sách hơn 1.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội gửi đến các DN bán lẻ, xuất khẩu, siêu thị của Hà Nội và các địa phương qua đó kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

 

Nói về việc hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm OCOP thông qua hoạt động xúc tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian qua TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp Thành phố. “Quan trọng nhất là TP Hà Nội tập trung xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp DN, hợp tác xã giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, thông qua hoạt động này DN có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ” - bà Nguyễn Thị Mai Anh nói.

 

TP Hà Nội đã nỗ lực hỗ trợ DN phát triển sản phẩm OCOP, nhưng để hoạt động này đạt hiệu đòi hỏi đơn vị sản xuất chú trọng đầu tư, tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thới cần chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

 

Các địa phương tham gia chương trình OCOP cần khuyến khích hợp tác xã, DN vừa và nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, điều hành theo chuỗi liên kết giá trị. Các sản phẩm OCOP phải đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Ngoài việc xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu cấp quốc gia, cấp tỉnh, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng mối liên kết vùng miền và DN bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần