Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng; không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế 2 tháng còn lại năm 2016; tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng, phát huy thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn; quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là các giải pháp bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2016, đồng thời chủ động chuẩn bị kế hoạch hành động để triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế năm 2016 và quý I năm 2017.
Bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; trong đó rà soát cụ thể từng tiêu chí, chỉ số do Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới công bố xếp hạng năm 2016; phân tích, giải trình về các chỉ số bị xuống hạng và các chỉ số còn ở mức thấp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện thứ hạng trong năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2016; chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; theo dõi sát diễn biến nợ xấu, có giải pháp kiềm chế nợ xấu mới phát sinh, bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là dịp cuối năm. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng bị mua lại bắt buộc và các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Kiểm soát lạm phát cơ bản, tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung. Khẩn trương hoàn thành Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và các đề án, phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 để trình tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức vào tháng 12/2016. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến phương án điều chuyển kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm đến hết ngày 30/9/2016; kiên quyết không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 đối với các dự án đến hết tháng 9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, trừ trường hợp có lý do khách quan; trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 cho các bộ, ngành trung ương và địa phương đúng thời hạn.
Bên cạnh đó, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm lực mạnh, công nghệ tiên tiến, tham gia chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu, quy hoạch các cụm kinh tế, thí điểm xây dựng mô hình đặc khu kinh tế tạo liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Rà soát, hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 sau khi Quốc hội cho ý kiến. Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu đầu tư công trong tháng 01/2017.
Không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế 2 tháng còn lại năm 2016
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước; tích cực đôn đốc, mở rộng cơ sở thuế và thu hồi nợ đọng thuế; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá tính thuế. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên và sử dụng tài sản công. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường khi thực hiện đấu giá, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát trong phạm vi Quốc hội giao; không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế trong hai tháng còn lại của năm 2016. Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại dịp cuối năm. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tháng 11 năm 2016.
Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn. Tích cực đàm phán với các nước nhập khẩu có liên quan để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường ASEAN. Chủ trì triển khai các chính sách, biện pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để người dân và doanh nghiệp nắm bắt và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Thực hiện các giải pháp bảo đảm hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn giá; chú trọng phát triển hệ thống bản lẻ trên toàn quốc, trước hết là các đô thị. Chủ động xây dựng, có phương án, kế hoạch cụ thể bảo đảm năng lượng quốc gia, điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, đặc biệt là bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình cấp bách, trọng điểm của ngành điện. Triển khai xây dựng và hoàn thiện các đề án tái cơ cấu theo từng lĩnh vực của ngành công thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2016.
Tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm và chuẩn bị các dự án mới; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về quản lý, thực hiện đầu tư các nút giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chuẩn bị phương án bảo đảm phương tiện vận tải phục vụ Nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp tục giảm phí BOT tối thiểu ở 19 trạm thu phí trong năm 2016.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và phục vụ xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương mở đợt kiểm tra, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả.
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình thời tiết để chỉ đạo điều chỉnh thời gian gieo cấy, sản xuất của từng vùng hợp lý, chủ động tránh đợt cao điểm rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn. Tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và bảo đảm ổn định thị trường gạo. Nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng, kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc sử dụng diện tích đất trồng rừng ở Tây Nguyên. Rà soát, bổ sung Kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua.