Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục những kỳ vọng chứng khoán

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đón Tết Nhâm dần, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đã trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc, từ rộn ràng khi danh mục lãi lớn đến thở dài khi tài khoản “bốc hơi”.

Sau hơn 1 thập kỷ ảm đạm, từ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 - 2008, chứng khoán Việt đã lại có những ngày háo hức, say mê, kể cả khi thị trường lên đỉnh hay xuống đáy.

Thị trường chứng khoán được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Ảnh: Thanh Hải  
Thị trường chứng khoán được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Ảnh: Thanh Hải  

Năm của những kỷ lục

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2021, chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ đạt 2,77 triệu tài khoản.

Thực tế, dù hứng chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam với hai lần chạm tới vào năm 2007 và 2018.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020.

Đáng chú ý, nếu trước đây, thị trường dẫn dắt bởi các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư ngoại thì năm 2021, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước. Tính chung từ đầu năm, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng chia sẻ, năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút tiền khỏi TTCK khoảng 1,2 tỷ USD, tính đến 21/12. Con số này tăng không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng, vẫn giữ một phần lớn tiền trên tài khoản.

Cũng theo ông Trần Văn Dũng, hiện giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Dù rút ròng, tài sản khối ngoại trên thị trường này vẫn tăng. Việc vốn ngoại rút ròng không đáng lo ngại, dòng tiền nội mạnh, TTCK vẫn có những phiên giao dịch bùng nổ.

Những điều chỉnh

Sau những ngày rộn ràng, vài tuần gần đây, thông tin về việc tỷ phú Trịnh Văn Quyết bán chui và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đã khiến nhiều nhà đầu tư hốt hoảng bán tháo. Cú “quay xe” đầu năm của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư méo mặt. Dù họ bắt đầu nghĩ đến việc “bỏ trứng vào nhiều giỏ”, nhưng chứng khoán vẫn là một “giỏ” được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Năm 2022, theo dự báo trong Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm. “Mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới”- chuyên gia VDSC cho hay. Và đầu tư gì trong năm mới tiếp tục là câu chuyện được quan tâm.

Về các nhiệm vụ và giải pháp năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị, UBCKNN tập trung, nỗ lực hơn nữa để tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm.

5 nhiệm vụ được ông Chi nêu ra để xây dựng thị trường phát triển, minh bạch, hiệu quả gồm: Tổ chức đẩy mạnh thực hiện phổ biến Luật Chứng khoán năm 2019, tăng cường đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư…; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030; Chỉ đạo HOSE và các đơn vị thụ hưởng sớm hoàn thành đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ; Tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý Nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cấu trúc TTCK.