Tiếp tục xét xử “đại án” siêu lừa Huyền Như giai đoạn 2

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/2, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). Nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Văn Sẽ và bà Nguyễn Thị Minh Hương tiếp tục vắng mặt dù tòa đã triệu tập.

Luật sư yêu cầu hoãn tòa

Trong phần kiểm tra thủ tục, các luật sư bào chữa cho 10 bị cáo trong vụ án có chung yêu cầu phải triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ và bà Nguyễn Thị Minh Hương hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như bà Quyên là người giúp việc cho Huỳnh Thị Huyền Như phải có mặt tại tòa.
Bị án Huỳnh Thị Huyền Như, Võ Anh Tuấn ra tòa với tư cách nhân chứng và có nghĩa vụ liên quan. 
Các luật sư cũng yêu cầu xem xét lại tư cách của Ngân hàng Quốc dân (nguyên là Navibank); Navibank là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, còn Vietinbank mới là nguyên đơn dân sự. Các luật sư cũng yêu cầu triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên vì giữa bản kết luận điều tra (KLĐT) và cáo trạng có mâu thuẫn. Từ những yêu cầu trên, các luật sư đề nghị HĐXX cho dừng phiên tòa.

10 bị cáo trong vụ án được tại ngoại gồm: Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank), Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cả 3 đều là nguyên Phó Tổng Giám đốc), các bị cáo nguyên là cán bộ Navibank: Trần Thanh Bình, Phạm Thị Thu Hiền, Nguyễn Ngọc Oanh, Đinh Thị Đoan Trang, Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát. Có hơn 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự cũng như người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND cho rằng, việc ông Sẽ, bà Hương vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử, vì đã có lời khai của họ trong các bút lục. Nếu giữa KLĐT và cáo trạng mâu thuẫn thì cần tranh luận để làm sáng tỏ vụ án tại tòa. Trong bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh năm 2015 đã kết luận Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (200 tỷ đồng) của Navibank và buộc Như hoàn trả, vì thế không cần hoãn tòa. Sau khi hội ý, HĐXX bác yêu cầu của các luật sư về việc hoãn phiên tòa.

Vụ án nằm trong đại án 4.000 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao (đã điều tra bổ sung lần 2, giai đoạn 2), từ tháng 4/2011, Lê Quang Trí (SN 1967, nguyên Tổng Giám đốc Navibank) họp thống nhất chủ trương để cấp dưới và các nhân viên của Navibank đứng tên gửi hơn 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP Hồ Chí Minh để nhận gần 76 tỷ đồng lãi. Sau 3 tháng, VietinBank chi nhánh Nhà Bè quyết toán cho NaviBank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ đồng chưa đến hạn quyết toán được gửi vào Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh bằng 18 hợp đồng.

Ngày 7/9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, 200 tỷ đồng còn lại chưa đến hạn tất toán cho đến khi vụ án xảy ra và Huyền Như bị bắt.

Vụ án lần này là một phần của đại án Huỳnh Thị Huyền Như. Tháng 1/2014, Huyền Như đã bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên tù chung thân cho 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tháng 2/2015, tại phiên phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ Huyền Như có hành vi “Tham ô tài sản” hay “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với số tiền 1.285 tỷ đồng của 5 công ty (hơn 1.085 tỷ đồng) và Navibank (200 tỷ đồng). Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách ra thành 2 vụ.