Tiếp tục xét xử vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tòa, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục giữ nguyên yêu cầu ly hôn chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Đồng thời đề nghị được nuôi 4 con chung.

Bà Thảo nhận nuôi 4 con, yêu cầu cấp dưỡng 10 tỷ/năm
Sáng 20/2, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Ly hôn” giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) với bị đơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi).
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Khi được chủ tọa phiên tòa đề nghị trình bày lại nội dung yêu cầu khởi kiện, bà Thảo cho rằng đến thời điểm này tình cảm vợ chồng không còn nên đề nghị tòa xử ly hôn. “Chúng tôi có 4 con chung, 2 trai 2 gái (lớn nhất SN 1999, nhỏ nhất năm 2010). Hơn 6 năm qua, ông Vũ bỏ bê gia đình, bản thân tôi đã làm tất cả vì con. Vì thế xin tiếp tục nuôi dưỡng 4 con đến tuổi trưởng thành. Về cấp dưỡng nuôi con, tôi kiến nghị chu cấp cho các con hằng năm 5% cổ phần của các công ty (tương đương 2,5 tỷ đồng/năm/con) để lo đủ cho các con và còn thể hiện trách nhiệm người cha. Bản thân cha mẹ sinh ra con ai cũng muốn để lại tài sản cho con”, bà Thảo trình bày.
Trước nguyện vọng của bà Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ trả lời lòng vòng khiến bà Thảo phải đề nghị HĐXX yêu cầu ông Vũ trả lời thẳng vào câu hỏi của chủ tọa. Ông Vũ trình bày: “Kéo dài làm gì mệt mỏi lắm. Đừng đưa các con vào vụ án này, cần tôn trọng các cháu. Tôi rất muốn nuôi các cháu, không cần vợ chu cấp gì cả. Nguyện vọng các cháu thế nào thì ta nên tôn trọng”.
Đối với việc phân chia tài sản, đại diện theo ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, cho rằng tài sản chung gồm các bất động sản (BĐS) thống nhất quan điểm chia 13 BĐS. “Đối với cổ phần và phần đóng góp trong 7 công ty, bị đơn đề nghị chia đôi, điều này có nghĩa các bên không có ý kiến gì gọi là tài sản riêng mà là tài sản chung. Còn tài sản của công ty đặt tại Singapore về mặt pháp lý do bà Thảo đại diện. Phía bị đơn là ông Vũ cũng xác định tài sản này là tài sản chung. Tuy nhiên hiện giờ phía Singapore yêu cầu tách ra và tòa án tại Việt Nam vẫn chưa giải quyết. Đối với yêu cầu chia số tiền trên 2.109 tỷ đồng, trong quá trình điều tra, xác minh tòa án chưa tiến hành hòa giải, chưa làm rõ tiền đó đang ở đâu vì vậy cần dừng phiên tòa để có thời gian làm rõ”, đại diện của bà Thảo, nói.
Bị đơn đòi chia tài sản theo tỷ lệ 7-3
Còn người đại diện của bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ, khi được chủ tọa hỏi về việc phân chia tài sản tính thế nào? Vị đại diện theo ủy quyền của ông Vũ cho rằng chia theo tỷ lệ ông Vũ 7 phần, bà Thảo 3 phần. Việc phân chia tài sản dựa vào phân tích của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn. Theo đó tổng cộng giá trị cổ phần sau khi chia thì ông Vũ được 3.938 tỷ đồng, bà Thảo được 1.696 tỷ đồng. Riêng số tiền 2.109 tỷ đồng sau khi tòa án yêu cầu 3 ngân hàng trả lời, phía bị đơn cũng đề nghị chia theo tỷ lệ 7-3.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ
“Tài sản của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ gồm nhiều loại. Đối với 13 BĐS, hiện nguyên đơn là bà Thảo đang cầm giữ 7 BĐS (tương đương 3.471 tỷ đồng), bị đơn giữ 6 BĐS (tương đương 350 tỷ), chúng tôi đồng ý chia theo tỷ lệ 50 - 50. Riêng cổ phần và tiền góp vốn trong 7 công ty, chúng tôi cũng yêu cầu chia 70% cho bị đơn, 30% cho nguyên đơn. Về tiền mặt theo số liệu của 3 ngân hàng vào ngày 18/10/2018 là 2.109 tỷ đồng (tiền, vàng, ngoại tệ) đề nghị chia 70% cho bị đơn và 30% cho nguyên đơn. Còn cổ phần của 7 công ty cũng chia theo tỷ lệ ông Vũ 7, bà Thảo 3”, đại diện của bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ, liệt kê hàng loạt số liệu.
Tuy nhiên khi được chủ tọa hỏi có ý kiến gì sau khi phía ông Vũ đề nghị phân chia theo tỷ lệ như trên? Đại diện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nói: “Tôi thấy có yếu tố thuận và phi lý. Thuận là toàn bộ số cổ phần ban đầu bị đơn xác định của chung thì chia đôi. Còn phi lý ở chỗ làm sao lại có chuyện chia bà Thảo 3 phần, ông Vũ tới 7 phần. Về số liệu cụ thể, chúng tôi sẽ nêu ở phần tranh tụng”.
Viện KSND kiến nghị HĐXX làm rõ nhiều vấn đề
Tại tòa, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Lê Hoàng Diệp thảo), đề nghị HĐXX cho triệu tập đại diện Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn vì quyết định đưa vụ án ra xét xử không triệu tập đơn vị này nhằm làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc định giá tài sản.
Tuy nhiên luật sư Trương Thị Hòa (bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ) lại cho rằng khi nào tòa thấy cần thiết thì triệu tập công ty thẩm định giá, nếu thấy không cần thiết thì không cần có mặt.
Còn chủ tọa nhận định việc mời cơ quan định giá đến tòa hay không là do HĐXX quyết định. HĐXX đã xem xét rất kỹ nên không cần thiết mời cơ quan định giá.
Đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho rằng vào ngày 25/1, Viện KSND có công văn số 29 yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ để đảm bảo cơ sở giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Đến ngày 19/2, Viện KSND tiếp tục kiến nghị khắc phục những thiếu sót theo công văn 29 nêu trên nhưng tòa chưa xem xét. Vì thế đề nghị HĐXX xem xét theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Viện KSND cũng cho rằng trong đơn yêu cầu phản tố vào tháng 7/2016, phía bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu phản tố nhiều vấn đề. Ngoài tiền còn có nhiều BĐS, nhà ở quận 2, huyện Củ Chi, TP Nha Trang (Khánh Hòa), nước Úc và một số tài sản trong thời kỳ hôn nhân mà bà Thảo có được. Nếu yêu cầu phản tố liên quan tiền đến nay ngân hàng đã xác minh, còn những tài sản khác, vốn góp…, tòa chưa thu thập chứng cứ vì thề HĐXX cần làm rõ vấn đề này.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/2.

Liên quan đến vụ án “Ly hôn” của vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo, được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý vào tháng 11/2015. Đến tháng 8/2017, cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bảo vệ khối tài sản của ông Vũ, bà Thảo. Sau nhiều lần tiến hành hòa giải, 2 vợ chồng chấp thuận ly hôn nhưng chưa thỏa thuận được việc nuôi con và chia tài sản. 

Đến tháng 9/2018, tòa tiến hành xét xử nhưng cả bà Thảo lẫn ông Vũ đều vắng mặt và có đơn xin hoãn tòa. Ngày 22/10/2018, tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để thu thập thêm chứng cứ từ các cơn quan chức năng. Sau đó bà Thảo gửi đơn yêu cầu TAND Cấp cao hủy bỏ quyết định này. Tiếp đó ngày 29/1, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án ra xét xử nhưng hoãn tiếp vì cả bên nguyên lẫn bên bị đều vắng 1 luật sư, 3 đương sự liên quan trong vụ án không có mặt.