Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp xúc với F0 sau bao lâu mới nên test nhanh Covid-19?

TS.BS Trần Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Test nhanh tìm kháng nguyên virus, khác với PCR là tìm RNA của virus. Nồng độ virus càng cao thì test nhanh càng dễ phát hiện dương tính. Do vậy, thời điểm test rất quan trọng.

Độ nhạy của test nhanh phụ thuộc vào nồng độ virus, nhưng nói chung là kém nhạy hơn PCR, tức là có âm tính giả. Ước tính khoảng 1/5 các test âm tính là âm tính giả (nhiễm nhưng test không phát hiện được). Test nhanh thường có độ đặc hiệu cao. Nói cách khác, nếu test nhanh dương tính thì nhiều khả năng đúng là đã nhiễm Covid-19, nếu âm tính thì chưa chắc.

Khi nào cần làm test nhanh?

- Nếu có triệu chứng thì nên làm test nhanh (hoặc PCR) luôn. Dương tính dù là vạch mờ cũng khá chắc chắn là đã nhiễm, không cần làm PCR khẳng định, trừ phi cần chứng nhận F0. Nếu nghi ngờ thì đợi vài tiếng hoặc hôm sau làm lại một test nhanh khác hoặc có thể làm PCR để khẳng định.

- Nếu tiếp xúc F0 và không có triệu chứng: Đợi tới ngày thứ 4 tới thứ 6 sau tiếp xúc mới nên test. Không nên test hàng ngày bắt đầu ngay hôm mới tiếp xúc.

- Sắp tham gia tụ tập đông người, đi làm, thăm người ốm/già, suy giảm miễn dịch…Nên nhớ kết quả test nhanh có thể thay đổi nhanh chóng. Âm tính chỉ có giá trị trong 12 giờ. Nếu làm test nhanh vì mục đích này thì nên làm gần lúc sắp tụ tập.

Với người đã nhiễm khi nào tái hòa nhập cộng đồng?

PCR rất nhạy và có thể phát hiện mảnh RNA của virus tới 3 tháng sau nhiễm, nhưng không có bằng chứng lây, nên không cần làm PCR để khẳng định không lây mới cho tái hòa nhập. Test nhanh có âm tính giả nên nếu dùng test nhanh thì làm 2 test âm tính liên tiếp sẽ giảm mức độ âm tính giả. Quyết định tái hòa nhập dựa vào triệu chứng, thời gian từ lúc dương tính/triệu chứng, và mức độ Covid-19 thể nhẹ, vừa, hay nặng, chứ không đơn giản chỉ là test nhanh âm tính.

Tóm lại, không phải ai cũng cần làm test nhanh. Nếu cần thì cũng không nên làm hàng ngày khi chưa có triệu chứng vì nó ít giá trị.