Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam".
Dự án được triển khai từ năm 2021 - 2025 với tổng kinh phí 6,4 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nhằm đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội; giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biển đổi khí hậu.
Tại Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ cho biết, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP 3) đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7 % tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 – 2025, đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 - 2030.
Chính phủ Việt Nam đã và đang nhận được hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Hàn Quốc tài trợ nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
“Bộ Công Thương kỳ vọng, các năm tới, Dự án sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động theo kế hoạch, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững" - ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định.
Năm 2023, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các lĩnh vực sản xuất giấy, thép, sợi, điện…. với hàng chục giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đề xuất cho mỗi doanh nghiệp. Theo tính toán, nếu áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng đề xuất, doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Việt Anh, thời gian qua, việc huy động nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực; nguồn lực từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong đầu tư xanh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn đang trong thời kì sơ khai, còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi và biến động khó lường.
Do đó, tăng trưởng xanh thời gian tới đòi hỏi sự chung tay, góp sức, nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là các địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh. Muốn vậy, cần có lộ trình phù hợp dựa trên điều kiện thực tiễn, cũng như năng lực của từng địa phương.