70 năm giải phóng Thủ đô

Tiết kiệm năng lượng để hướng tới xanh hóa nền kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Contech Vietnam 2024, nhiều chia sẻ hữu ích cho doanh nghiệp được đưa ra tại Hội thảo "Tiết kiệm năng lượng và Năng lượng xanh" do Hội Điện lực Việt Nam phối hợp cùng Công ty Hadifa tổ chức ngày 19/4.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Vương Quốc Thắng cho biết, tiết kiệm năng lượng là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Trong xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu, các doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng điện và chiếu sáng Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó có những máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Đây là tín hiệu tích cực trong sự phát triển của ngành năng lượng nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Vương Quốc Thắng. Ảnh: Khắc Kiên
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Vương Quốc Thắng. Ảnh: Khắc Kiên

Trong khi đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam Mai Quốc Hội cho rằng, khối sản xuất là khu vực có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Vì vậy, việc đẩy mạnh ý thức tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, trong đó ứng dụng năng lượng xanh là một giải pháp rất hiệu quả.

Do đó, chủ đề Hội thảo thu hút sự quan tâm của các đơn vị chuyên trách và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực. Bởi việc chia sẻ và trao đổi về các chính sách, các giải pháp trong việc tiết kiệm điện, đồng thời giới thiệu những thiết bị điện công nghệ cao, các dự án năng lượng và sản phẩm năng lượng tái tạo ưu Việt sẽ giúp cho các doanh nghiệp có những thông tin hữu ích, góp phần vào việc phát triển doanh nghiệp bền vững…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam Mai Quốc Hội. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam Mai Quốc Hội. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Lại Đức Tuấn, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 20210, nhu cầu về điện năng tăng khoảng 13%/năm trong giai đoạn này và khoảng 11% giai đoạn 2011 - 2015.

Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than cho phát điện từ 2017 và nhập khẩu LPG từ năm 2023.

Việt Nam cũng đã có các Nghị quyết, Quyết định, Luật Tiết kiệm năng lượng, Chương trình VNEEP... với mục tiêu tổng quát huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài ra, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. "Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" - vị này nói.

Còn mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến 2025 hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về tiết kiệm năng lượng; Giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5%; Giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018: thép 3 - 10%, hóa chất 7%, nhựa 18 - 22,46, xi măng 7,5%, dệt may 5%... 70% khu công công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Đến năm 2030, giảm tổn thất điện năng xuống dưới 6%; Giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 - 2018: thép 5 - 16,5%, hóa chất trên 10%, nhựa 21,55 - 24,81, xi măng 10%, dệt may 6,8%... 90% khu công công nghiệp và 70% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Phó ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) Vũ Thế Thắng. Ảnh: Khắc Kiên
Phó ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) Vũ Thế Thắng. Ảnh: Khắc Kiên

Từ thực tế, Phó ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) Vũ Thế Thắng thông tin, đơn vị hiện đang cung cấp điện cho 2.846.096 khách hàng nên đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu để đảm bảo cung ứng điện một cách tốt nhất.

Theo đó, EVNHANOI tham mưu phối hợp, tuyên truyền vận động; Giải pháp kỹ thuật vận hành, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng công cụ dự báo quản lý nhu cầu điện, hiện đại hóa hệ thống đo đếm để giảm tổn thất điện năng, thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà... Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành, quận huyện, thị xã, các tổ chức thực hiện phân phối bán lẻ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả...