Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết lộ nguyên nhân kỳ lân công nghệ VNG lỡ hẹn kế hoạch IPO tại Mỹ

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG từng có kế hoạch IPO tại Mỹ trong tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này của công ty công nghệ và internet hàng đầu Việt Nam đã không diễn ra như dự kiến.

VNG lùi kế hoạch IPO tại Mỹ sang năm 2024

Tờ DealStreetAsia gần đây đưa tin, Tập đoàn VNG hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ cho đến tháng 4/2024.

Một số cơ quan truyền thông phương Tây trước đó cũng cho biết, kế hoạch lên sàn Nasdaq trong tháng 9 này của VNG không diễn ra như dự kiến.

Hiện, VNG chưa có tuyên bố nào liên quan đến thông tin lỡ hẹn IPO tại Mỹ trong tháng 9/2023
Hiện, VNG chưa có tuyên bố nào liên quan đến thông tin lỡ hẹn IPO tại Mỹ trong tháng 9/2023

Theo hãng tin Reuters, kỹ lân công nghệ Việt Nam VNG đã hoãn đợt IPO trị giá 150 triệu USD tại Mỹ cho đến nửa đầu năm tới do điều kiện thị trường không ổn định.

Trước đó, tờ Bloomberg cũng tiết lộ kế hoạch niêm yết lên sàn Nasdaq của VNG trong tháng 9 này không diễn ra theo kế hoạch.

Nguồn tin cho biết, quyết định tạm dừng niêm yết được đưa ra sau khi công ty tổ chức cuộc họp với các cố vấn và nhà đầu tư.

Hiện, VNG chưa có tuyên bố nào liên quan đến vụ việc.

Tiền thân là công ty Vinagame, được thành lập vào năm 2004, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, VNG là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, một công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm trò chơi trực tuyến, thanh toán, dịch vụ đám mây và ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam, Zalo với 75 triệu người dùng. Theo Newzoo, VNG hiện là nhà phát hành trò chơi di động số một tại Việt Nam đang muốn mở rộng ra toàn cầu.

Các hồ sơ pháp lý về việc niêm yết trên Nasdaq đã được công khai vào cuối tháng 8 và dự kiến ra mắt vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, các nguồn tin trước đó đã nói với Reuters.

Hồi cuối tháng 8, VNG cho biết công ty cổ phần VNG Limited đã có thông tin về việc nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).

Theo thông báo của VNG, hồ sơ đăng ký của công ty hiện chưa được SEC công bố chính thức có hiệu lực.

Công ty dự kiến sẽ IPO cổ phiếu phổ thông loại A trên sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch “VNG”. VNG dự kiến chào bán khoảng 22 triệu cổ phiếu, nhưng chưa công bố giá cụ thể cho đợt IPO tại Mỹ.

Theo hồ sơ, Citigroup, Morgan Stanley, UBS và Bank of America là những nhà bảo lãnh cho đợt IPO của VNG. Kế hoạch IPO của VNG diễn ra sau đợt IPO gần đây của VinFast tại Mỹ và có thể giúp tạo thêm động lực cho các công ty Đông Nam Á khác đang tìm kiếm hoạt động IPO tại Mỹ.

Theo DealStreetAsia, hậu IPO, VNG Limited nắm giữ 49% tỷ lệ sở hứu trực tiếp của công ty VNG và sở hữu gián tiếp 21,3% cổ phần thông qua BigV Technology.

Sau khi hoàn thành IPO, Tencent sẽ là cổ đông lớn nhất tại VNG khi nắm giữ 47,4% cổ phiếu loại A, quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore nắm giữ 11,1%, Temasek nắm 6,9% và Ant Group là 5,7%.

VNG hoãn IPO, nguyên nhân có liên quan đến VinFast?

Theo Bloomberg, việc hoãn niêm yết tại Mỹ của công ty do ông Lê Hồng Minh làm giám đốc diễn ra sau những kết quả trái chiều từ Arm, Instacart, Klaviyo hay rút kinh nghiệm từ VinFast. “Phía VNG vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin này” - tờ Bloomberg cho hay.

Hiện, vẫn chưa rõ vì sao kế hoạch IPO của VNG lại bị hoãn. Theo nhận định của truyền thông phương Tây, việc niêm yết trên Nasdaq bị chậm trễ thường có 2 nguyên nhân, hoặc là gặp vấn đề ở hồ sơ, hoặc do thời điểm chưa phù hợp.

Theo Bloomberg, một người yêu cầu được giấu tên tiết lộ, sau khi chứng kiến những diễn biến trái chiều của bộ ba công ty đại chúng mới trong tháng này, VNG được khuyên nên tạm dừng kế hoạch niêm yết tại Mỹ cho đến khi nhu cầu thị trường được cải thiện. Người này cho biết, đợt IPO có thể bị hoãn lại cho đến năm sau.

Quyết định hoãn kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu tại Mỹ của VNG diễn ra sau khi cổ phiếu của Arm Holdings Plc - nhà thiết kế chất bán dẫn thuộc sở hữu của SoftBank Group Corp., và công ty giao hàng tạp hóa Instacart đều giảm giá ngay sau khi IPO.

Trong khi đó, nhà cung cấp phần mềm tự động hóa dữ liệu và tiếp thị Klaviyo Inc., vốn có thành tích tốt nhất cũng chỉ tăng hơn 12% so với giá chào bán trong ngày 21/9 sau khi nhảy vọt tới 32% trong lần ra mắt trước đó 1 ngày.

Cũng theo Bloomberg, việc hoãn niêm yết của “kỳ lân công nghệ” Việt Nam diễn ra sau khi VinFast Auto Ltd. xuất hiện đầy ấn tượng tại thị trường Mỹ, chứng kiến cổ phiếu VFS của nhà sản xuất xe điện Việt này tăng 504% sau khi sáp nhập với Black Spade.

Tuy nhiên, cổ phiếu VinFast đang mất đà leo dốc và diễn biến thất thường khi công ty khởi nghiệp xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được cho là đang trong thời kỳ thua lỗ và phải vật lộn để thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất, đưa xe điện VinFast ra toàn thế giới.

Giới quan sát cho rằng, bài học về chuẩn bị hồ sơ và thời điểm niêm yết mà VNG có thể học được có thể thấy qua hành trình của người đi trước - quá trình IPO đầy thử thách của hãng xe điện VinFast do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập.