Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu chí môi trường: Đích đến nhiều khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không cần nhiều kinh phí như các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng cơ sở, song đến nay, môi trường lại là một trong những tiêu chí xây dựng NTM đạt tỷ lệ thấp nhất.

Hiện nay, các địa phương vẫn loay hoay, bế tắc trong việc lựa chọn mô hình giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn.

Tỷ lệ đạt thấp

Theo Văn phòng Điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, cả nước đã có hơn 1.840 xã và 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, tỷ lệ các xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường trên cả nước khá thấp. Trên thực tế, kết quả thẩm tra các huyện đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường còn thấp hơn nhiều so với báo cáo. Nguyên nhân là do các địa phương thường ưu tiên triển khai trước các tiêu chí về hạ tầng, phát triển sản xuất... mà ít quan tâm đến tiêu chí môi trường.
Hội viên phụ nữ huyện Thạch Thất ra quân thu gom rác thải ở đồng ruộng. Ảnh Hồng Vân
Hội viên phụ nữ huyện Thạch Thất ra quân thu gom rác thải ở đồng ruộng. Ảnh Hồng Vân
Thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng cho thấy, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ các xã đạt tiêu chí môi trường cả nước chỉ là 42,4%. Đây là một trong những tiêu chí đạt tỷ lệ thấp nhất. Nhiều xã, thôn chưa có đơn vị chuyên trách về thu gom rác thải. Việc xử lý rác thải chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ lộ thiên nên không đảm bảo vệ sinh môi trường. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề đều đổ trực tiếp ra môi trường, chảy vào ao, hồ, sông, suối... Tại nhiều địa phương có các khu công nghiệp, DN và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, công tác giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền còn nhiều hạn chế.

Tại Hà Nội, tính đến nay, 100% huyện, thị xã đã có đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, môi trường vẫn là một trong ba tiêu chí đạt thấp nhất, cùng với thủy lợi và trường học. Vệ sinh môi trường nông thôn chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là các làng nghề. Hiện toàn TP còn 108/386 xã chưa đạt tiêu chí môi trường, chiếm tỷ lệ khoảng 28%, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín…

Lấy cộng đồng dân cư làm nòng cốt

Ông Hồ Xuân Hùng - Cố vấn Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhận định, ô nhiễm môi trường ở nông thôn đã ở mức báo động đỏ, trong khi hầu hết các địa phương đang bế tắc trong việc lựa chọn mô hình vận hành. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hùng, cần có tổ chức tốt (các tổ dịch vụ xã hội thu gom, vận chuyển xử lý chất thải), công nghệ tốt và có nguồn kinh phí đảm bảo. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đoàn thể cấp cơ sở.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng, cần lấy cộng đồng dân cư làm gốc và nâng cao nhận thức của người dân trong cải tạo môi trường sống, môi trường sản xuất ngay từ hộ gia đình. Bên cạnh đó, các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải, chất thải rắn cần tiếp cận theo hướng thu hút cộng đồng tham gia, có nguồn thu đảm bảo tính bền vững. Ông Nam cho biết, tới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT sẽ có đề xuất Ban Chỉ đạo T.Ư chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện tốt tiêu chí môi trường. Trong đó rà soát lại các chính sách hiện hành để hướng dẫn cụ thể hơn, giúp các địa phương có cơ sở làm tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Đối với TP Hà Nội, một trong những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 – 2020 là xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp, văn minh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Để làm được điều này, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU TP đề nghị các địa phương tăng cường vận động, hướng dẫn các hộ dân huy động nguồn lực phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình công cộng. Đồng thời xây dựng nếp sống văn minh, tích cực tham gia gìn giữ cảnh quanh môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu dân cư.