Hạng cao, tiêu chí đạo đức càng cao?
Theo Thông tư 01, 02, 03, 04 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, "tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp" được quy định riêng theo từng hạng GV. GV hạng III (thấp nhất): Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử... GV hạng II: “Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, GV hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo”. Đối với GV hạng I: “Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo".Nhiều ý kiến cho rằng: Đạo đức là giá trị phổ quát của mọi người, mọi nghề. Và nghề giáo càng cần phải có phẩm chất tốt, hành vi phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Chứ không nên xếp theo kiểu ở thứ hạng cao sẽ có yêu cầu cao hơn về đạo đức trong nghề. Cô T.T.H.M. - Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Đông (Hà Nội) phân tích: “Chúng tôi rất vui mừng về cách xếp lương trong các thông tư mới, nhưng riêng phần đạo đức này thì có một chút băn khoăn. Vì đạo đức là giá trị chung, bình thường đã khó đánh giá rồi, giờ lại còn từng hạng, từng nhóm tiêu chuẩn”. Cũng theo cô M., ở vai trò là một nhà giáo, người thầy phải đầy đủ tiêu chuẩn đạo đức, chứ không phải phân hạng. “Trong trường hợp GV hạng II, thì đạo đức cứ tạm gọi là cấp 2, như vậy có đồng nghĩa với đạo đức của GV hạng II, thấp hơn đạo đức GV hạng I không – đấy là tôi chưa muốn nói đến việc, GV tiểu học rất ít người đạt đến tiêu chuẩn chức danh GV hạng I” – cô T.T.H.M nói.Trong khi đó, Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo đã quy định đạo đức nghề nghiệp của GV như sau: Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng; tận tụy với công việc; công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học…Dù là những tiêu chí định tính, nhưng nếu so sánh thì quy định về đạo đức nghề nghiệp GV cách đây 12 năm rõ ràng chi tiết hơn ở những thông tư mới.Không cụ thể sẽ khó áp dụng thực tiễnCô giáo Nguyễn Thị Thảo - GV trường Tiểu học Lễ Văn, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh chia sẻ, việc đưa thêm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong chùm thông tư mới là không cần thiết. Vì các quy định về đạo đức nhà giáo, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đã bao hàm các yêu cầu này. Tất cả đều phải thực hiện một chuẩn mực đạo đức, không nên phân biệt đạo đức phải theo hạng càng cao đạo đức càng tốt. “Tôi đặt câu hỏi như này, nếu tôi thăng hạng III lên hạng II, mà đánh giá đạo đức, có một GV hay một ý kiến trong tập thể bảo tôi tiêu chí đạo đức chưa đạt. Như vậy có ảnh hưởng đến tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không?” – cô Nguyễn Thị Thảo trao đổi.Trong khi thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trường trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Tôi hiểu ở đây, các nhà làm chính sách muốn đồng bộ các tiêu chuẩn, nghĩa là hạng I, tiêu chí chứng chỉ phải đáp ứng, thì tiêu chí đạo đức cũng phải đáp ứng. Nhưng có một vấn đề là: Theo Luật Giáo dục, đạo đức nghề giáo là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện. Còn trong Luật Viên chức, chỉ có một bộ quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, ai trong nghề đó cũng phải tuân thủ, không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng viên chức”.Thầy Nguyễn Tùng Lâm phân tích thêm: Nếu đem các tiêu chí đạo đức về thứ hạng GV, áp dụng vào đánh giá, rất khó. Bản thân các trường tư, đánh giá đạo đức GV đang theo quy định của Luật Giáo dục, và đánh giá bằng chính bản nhận xét của học sinh – nhận xét của học sinh chính là định lượng hóa các tiêu chí định tính. “Trong trường hợp các trường công đánh giá tiêu chí này để thăng hạng GV thì ai giám sát, ai đánh giá việc tự đánh giá? Tôi nghĩ quá trình thực hiện là khó, cần tiêu chí cụ thể hơn, nếu không, áp dụng thực tiễn rất khó” – thầy Tùng Lâm chia sẻ.
Tôi cho rằng, những yêu cầu về đạo đức có thể lý giải là để phù hợp với chuẩn chức danh. Như vậy, đưa ra yêu cầu đối với đạo đức, phẩm chất theo hạng là mong muốn các thầy, cô phấn đấu đạt những yêu cầu cao hơn. Vấn đề là, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá phải rõ ràng, chi tiết và phù hợp. Nếu không rõ ràng, thì Bộ nên nghiên cứu đóng góp ý kiến của dư luận để có điều chỉnh, sao cho khi áp dụng có tính thực tiễn.PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT |