“Tiêu chuẩn sản xuất nước mắm” là không bắt buộc áp dụng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập tới dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo, đang được cơ quan này tiến hành thẩm định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo ông Linh, mặc dù dự thảo tiêu chuẩn trên đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu khá công phu trong khoảng 9 năm (2008 - 2017) và gần 2 năm tổ chức xây dựng dự thảo (2017 - 2018), tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về các khuyến nghị kỹ thuật trong dự thảo bởi không có bất kỳ tiêu chuẩn nào nhận được sự đồng thuận 100%, kể cả tiêu chuẩn quốc tế.
Mục đích của tiêu chuẩn này không phân biệt nước mắm tiêu chuẩn hay nước mắm truyền thống, mà có thể hiểu tiêu chuẩn này là các hướng dẫn, khuyến nghị mang tính tự nguyện về việc xác định các mối nguy có thể ảnh hưởng tới sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, qua đó để phòng ngừa các rủi ro có thể xẩy ra cho người sử dụng sản phẩm.
“Người sản xuất nước mắm có thể dựa vào tiêu chuẩn này để nhận biết một cách dễ dàng hơn về các mối nguy có thể xuất hiện ở các công đoạn sản xuất của mình để có phương án hạn chế các mối nguy về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra nhằm đáp ứng được các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của nước mắm” - ông Linh cho hay.
Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần phân biệt rõ ràng, Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) là khuyến khích áp dụng, trong khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới là văn bản bắt buộc áp dụng. Do đó, tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng.
Mục đích của việc ban hành tiêu chuẩn là mang lại thuận lợi cho các bên liên quan, trong đó có cả người tiêu dùng. Tiêu chuẩn cũng là công cụ giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nhanh chóng nắm bắt các tiến bộ khoa học, thực hành sản xuất tốt và mang lại các sản phẩm tốt hơn cho cộng đồng.
Dù vậy, trước những ý kiến trái chiều xung quanh TCVN 12607:2019, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà sản xuất kinh doanh… đảm bảo xây dựng được tiêu chuẩn minh bạch, rõ ràng, làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân áp dụng được hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần