Tiêu điểm kinh tế tuần: 2 dự án đạm "nghìn tỷ" đồng loạt cầu cứu Chính phủ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước viễn cảnh sẽ phải ngừng hoạt động, thậm chí là phá sản, Vinachem đã đề nghị Chính phủ cho hàng loạt ưu đãi để cứu 2 nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.

Nhà máy đạm "nghìn tỷ": Càng làm càng lỗ

Trong tuần qua, tiếp sau UBND tỉnh Ninh Bình, tới lượt Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã có đề nghị gửi lên Chính phủ nhằm xin hàng loạt ưu đãi cho 2 nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc nhằm tháo gỡ tình hình kinh doanh bết bát như hiện tại.

 
Các nhà máy đạm trong nước đang gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Asian
Các nhà máy đạm trong nước đang gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Asian
Đối với  nhà máy Đạm Ninh Bình, đây là dự án được đầu tư "khủng" lên đến 667 triệu USD cùng thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng nhưng từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, nhà máy này lại liên tục làm ăn thua lỗ. Tính tới hết năm 2015, DN này đã lỗ lũy kế lên đến 2.693 tỷ đồng và tổng số các khoản nợ vượt 8.300 tỷ đồng.

Đối với trường hợp nhà máy Đạm Hà Bắc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tình hỉnh kinh doanh của đơn vị này bắt đầu đi xuống từ khi triển khai dự án cải tạo, mở rộng nhà máy với tổng vốn đầu tư 568 triệu USD vào năm 2010. Tính tới hết năm 2015, nhà mày đã lỗ 585 tỷ đồng, dự kiến trong 2016 con số này sẽ là 124 tỷ đồng và phải tới 2019 mới hết lỗ luỹ kế.

Lý giải cho thực trạng hiện tại của 2 nhà máy trên, Vinachem chỉ ra nguyên nhân chính do giá phân bón giảm mạnh, đặc biệt là giá ure trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN ngày càng mạnh dẫn tới tình trạng sản phẩm trong nước tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, Vinachem xin Chính phủ đưa phân bón urê vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%. Cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại Tập đoàn với số tiền 2.708 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho Dự án Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng) và Dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc (3.043,6 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55% năm trở lên về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành là 8,55%/năm.

Đồng thời, đề nghị cho phép nhà máy Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% năm 2018 tương tự cơ chế đã được chấp thuận như nhà máy Đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, Vinachem mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà Nước chỉ đạo các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Hà Bắc vay vốn đề đảm bảo sản xuất kinh doanh.

Hà Nội sẽ thoái vốn tại 96 doanh nghiệp

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã công bố kế hoạch thoái vốn tại 96 DN có vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Trong số này có 66 DN thuộc các tổng công ty, công ty mẹ - công ty con và DN độc lập 100% vốn Nhà nước; 30 DNNN trực thuộc UBND TP Hà Nội.

 
Tới 2020 sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Giầy Thượng Đình
Tới 2020 sẽ thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Giầy Thượng Đình
Hiện tại, tổng vốn điều lệ của các DN nằm trong kế hoạch này là hơn 10.300 tỷ đồng, vốn Nhà nước hơn 4.000 tỷ đồng. Theo dự kiến, Hà Nội sẽ thoái toàn bộ sô vốn này.

Đối với việc thoái vốn tại các tổng công ty, Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội có nhiều công ty con phải thực hiện nhất, gồm 16 công ty; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị có 15 công ty; Tổng công ty Vận tải Hà Nội có 9 công ty; Tổng công ty Du lịch Hà Nội có 9 công ty.

Ngoài ra, kế hoạch thoái vốn này cũng có nhiều thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội như: Giầy Thượng Đình, Nhựa Hà Nội, Dệt Minh Khai, Hanel, Thống Nhất Hà Nội...

Thêm một công ty đa cấp ngừng hoạt động

Tuần qua, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã đưa ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Zogo. Nguyên nhân là do công ty này không kinh doanh các mặt hàng đã đăng ký theo phương thức bán hàng đa cấp.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thời gian chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Zogo sẽ bắt đầu từ 15/7/2016 trên phạm vi toàn quốc. Trong vòng 90 ngày công ty phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Như vậy chỉ riêng trong tháng 9 này Zogo là công ty kinh doanh đa cấp thứ 3 ngừng hoạt động. Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã ra thông báo về việc hai công ty chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp là Công ty TNHH Tupperware Việt Nam và Công ty TNHH MTV CVI LINK Việt Nam.

Hàng loạt đại gia bia ngoái "ngắm" Sabeco và Habeco

Tuần qua, tờ Wall Street Journal đã dẫn nguồn tin cho biết, hiện đang có một số hãng bia ngoại quan tâm đến việc mua cổ phần 2 hãng bia quốc doanh của Việt Nam là Tổng công ty Rượu bia và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Rượu bia và Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

 
Sabeco và Habeco đang được nhiều hàng bia lớn trên thế giới "thèm muốn"
Sabeco và Habeco đang được nhiều hàng bia lớn trên thế giới "thèm muốn"
Trong số những nhà sản xuất bia lớn đang “xếp hàng” để có thể bước chân vào thị trường bia đầy tiềm năng ở Việt Nam có thể kể tới như: Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan.

Trước đó, trả lời trên Bloomberg, ông Lê Hồng Xanh – Tổng giám đốc Sabeco cũng đề cập tới nhiều tên tuổi lớn quan tâm tới Sabeco như Heineken, Anheuser-Busch và SABMiller hay Tập đoàn Asahi và Kirin Holdings, Singha và Thai Beverage...

Trong quá khứ, Thai Bev, tập đoàn kinh doanh đồ uống hàng đầu Thái Lan cũng nhiều lần thể hiện mong muốn thâu tóm Sabeco. Cách đây 2 năm, tập đoàn này đã đánh tiếng mua lại Sabeco với mức giá 2 tỷ USD nhưng không thành công. Tới đầu năm 2015, Thai Bev tiếp tục đưa ra giá giao dịch mới là 1 tỷ USD để nắm giữ 40% cổ phần của Sabeco nhưng cũng bất thành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần