Tiêu điểm tuần qua: Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc thăm Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam; Hội nghị cấp cao APEC thành công tốt đẹp; bão số 12 gây thiệt hại nặng về người và tài sản... là nội dung chú ý tuần qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức cấp nhà nước Việt Nam
 

Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều qua 11/11 đã hạ cánh ở sân bay Nội Bài tại Hà Nội. Ông sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 11 và 12/11. Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào sáng nay (12/11). Sau lễ đón là cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump.

Để chuẩn bị cho chuyến thăm, trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội lúc 12h30 trên một chiếc máy bay khác.

Tổng thống Donald Trump là tổng thống thứ tư của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, sau các chuyến thăm của tổng thống Bill Clinton (2002), George Bush (2006) và Barack Obama (2016).

Tháp tùng Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm có Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, đại diện Thương mại Mỹ John Kelly, Cố vấn an ninh quốc gia McMaster, Trợ lý Tổng thống - Cố vấn cao cấp Stephen Miller,

Trợ lý Tổng thống - Thư ký Nhà trắng Rob Porter, Phó cố vấn an ninh quốc gia Dina Powell, Phó trợ lý Tổng thống phụ trách truyền thông chiến lược Michael Anton, Phó trợ lý Tổng thống phụ trách kinh tế quốc tế Everett Eissenstat, Vụ trưởng Vụ An ninh - Kinh tế châu Á/Hội đồng An ninh quốc gia Josh Cartin, Cố vấn cao cấp của Ngoại trưởng Mỹ Brian Hook.

Dự kiến, trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam và Mỹ sẽ ký kết nhiều hợp đồng thương mại trị giá hàng tỷ USD. Việt Nam và Mỹ đã xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Quan hệ giữa hai nước đã đạt nhiều tiến triển mới, thực chất, trên tất cả các lĩnh vực song phương, khu vực và thế giới, trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị và con đường phát triển của nhau vì lợi ích của hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam

 

Trưa 12/11, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/11/2017, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang.

Đoàn còn có đồng chí Hà Lập Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước; đồng chí Chung Sơn, Bộ trưởng Bộ Thương mại; đồng chí Bành Thanh Hoa, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; đồng chí Tôn Chí Cương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quý Châu; đồng chí Trần Hào, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam; đồng chí Hồng Tiểu Dũng, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam; đồng chí Vương Thiếu Quân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương; đồng chí Khổng Huyễn Hựu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Với mong muốn và thiện chí của cả hai bên, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam ngay sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm phát huy xu thế tích cực, duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước; thúc đẩy trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị giữa hai bên.

Chuyến thăm thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát tốt bất đồng, cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Hội nghị cấp cao APEC thành công tốt đẹp
 

Chiều 11/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì cuộc họp báo về Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25. Tại cuộc họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tốt đẹp. Sau gần 20 năm là thành viên APEC, Việt Nam vinh dự một lần nữa đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị quan trọng nhất trong năm của Diễn đàn này.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là nền kinh tế mở, đang hội nhập sâu rộng và có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để đến được Hội nghị cấp cao ngày hôm nay, trong suốt năm qua, các bộ trưởng, quan chức cao cấp APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Các cuộc họp đã thảo luận nghiêm túc, kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất các biện pháp thúc đẩy đối thoại, hợp tác và liên kết APEC, tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, hướng tới chuẩn bị tốt nhất các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Trong bối cảnh đó và tiếp nối những thành tựu hợp tác của APEC trong những năm qua, với sự đồng tình, nhất trí cao của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC cũng như của Năm APEC 2017. Tại Hội nghị, chúng tôi cũng đã thảo luận và nhất trí những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, thông qua Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động của các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhận thức sâu sắc về điều đó, chúng tôi đã thông qua Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các định hướng chính sách và biện pháp đề ra trong Khuôn khổ không chỉ đáp ứng quan tâm chung của khu vực, mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường an ninh lương thực - nước - năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị; cải cách cơ cấu; nâng cao năng lực; giảm thiểu rủi ro thiên tai; tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; phát triển du lịch bền vững.

Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này sẽ góp phần củng cố vai trò của Diễn đàn là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và đi đầu với các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững, như các mục tiêu chung cần đạt được vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Thứ tư, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở ở châu Á - Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, góp phần để châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, Hội nghị tái khẳng định cam kết hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư, kinh doanh và dịch vụ; tăng cường hợp tác kinh tế - kỹ thuật; tiếp tục nỗ lực hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); nhấn mạnh vai trò quan trọng của APEC trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm. Hội nghị cũng hoan nghênh việc thông qua Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, để tạo điều kiện cho APEC khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của kinh tế mạng, kinh tế số và các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ năm, APEC đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư. Để nâng cao vai trò và vị thế của APEC trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, chúng tôi hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ các quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020.

Đó là một Diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý các thách thức toàn cầu cũng như khả năng thích ứng cao với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Quyết định này cũng thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng, trong đó, người dân và doanh nghiệp có vị trí trung tâm.

Nhằm phát huy vai trò của APEC là cơ chế khởi xướng và điều phối các các ý tưởng liên kết và kết nối khu vực, trong dịp này, Việt Nam đã tổ chức Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới, vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện”, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và 10 nhà lãnh đạo các nước ASEAN.

Bão số 12 gây gây thiệt hại nặng về người và tài sản

 

Theo thống kê tới sáng (9/11), báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, số người chết và mất tích vẫn gia tăng. Hiện, số người thiệt mạng đã là 114 người và 25 người mất tích.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 12 là cơn bão rất nguy hiểm, cấp độ thiên tai cấp 4 đã gây thiệt hại nặng nề. Bộ trưởng đánh giá bão số 12 mặc dù cũng có cấp độ thiên tai cấp 4 như bão số 10, nhưng có mức độ nguy hiểm, khốc liệt hơn, ở chỗ bão đổ bộ vào trong bối cảnh hồ, sông đầy nước và gây ra một lượng mưa đặc biệt lớn. Bão đổ bộ vào Khánh Hòa-Phú Yên với cấp 12, giật cấp 14, kèm theo mưa rất lớn, có những điểm mưa lớn tới 1.400mm.

Việc đối phó với bão số 12 đã được triển khai quyết liệt. Đã sơ tán dân ra khỏi nơi không an toàn. Các hồ thủy điện, thủy lợi đã được kiểm tra, giám sát bởi ban chỉ huy các tỉnh. Sau bão số 12, các lực lượng đã nỗ lực tìm kiếm người mất tích, huy động lực lượng tập trung khắc phục thiệt hại.

Trước thiệt hại nặng nề của cơn bão số 12, cộng đồng quốc tế đã chung tay ủng hộ đồng bào thiệt hại sau bão. Ngày 7/11, Tổng thống Putin đã chỉ đạo Chính phủ Nga tiến hành hoạt động nhân đạo đồng thời hỗ trợ 5 triệu USD cho Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão Damrey.

Quyết định đó được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin thảo luận với Thủ tướng Dmitry Medvedev, Bộ trưởng Bộ các tình trạng khẩn cấp Vladimir Puchkov và Bộ trưởng Bộ Tài chính Anton Siluanov.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink hôm 10/11 công bố khoản viện trợ trị giá hơn 1 triệu USD cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai dài hạn để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Damrey và các đợt thiên tai trong tương lai.

“Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 250.000 USD để đưa hàng hóa và vật dụng thiết yếu đến với người dân tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Damrey", thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam dẫn lời ông Kritenbrink.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 10/11 thông báo nước này sẽ cung cấp khoản hỗ trợ nhân đạo trị giá 1 triệu USD (gần 23 tỉ đồng) cho Việt Nam để khắc phục hậu quả của bão số 12.

“Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ sự cảm thông chân thành đối với nhân dân Việt Nam về thiệt hại do bão gây ra và hy vọng sẽ sớm khắc phục thiệt hại và trở lại cuộc sống bình thường”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh trong thông cáo, theo Yonhap.

Chia sẻ những khó khăn, mất mát với người dân Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) quyết định chuyển hàng viện trợ cho người dân hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam 105 thiết bị lọc nước nhằm giúp người dân có thể xử lý kịp thời để có nước sạch sử dụng sau bão lũ.

Quốc hội thông qua 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2018

 

Ngày 10/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, với đa số đại biểu tán thành, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được Quốc hội chính thức thông qua. Theo Nghị quyết, trong năm 2018 tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh.

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội...

Nghị quyết đã đề ra 12 Chỉ tiêu kinh tế - xã hội phấn đấu đạt năm 2018 đó là:

1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%.

2. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.

3. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.

5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP.

6. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

7. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%.

9. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã).

10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.

11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%.

12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Để đạt được 12 chỉ tiêu trên, Quốc hội đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách nhà nước; Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, tập trung phát triển các ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất hàng gia dụng, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, sinh học, môi trường...

Lãnh đạo Thành phố dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư 

 

Nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017), tối 9/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã về chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc của 6 tổ dân phố thuộc Cụm dân cư liên cư phường Sài Đồng, quận Long Biên. Cùng dự có Chủ tịch MTTQ TP Vũ Hồng Khanh.

Bí thư Thành ủy mong muốn Cụm dân cư tiếp tục phát huy dân chủ, tích cực vận động bà con nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; cộng đồng trách nhiệm, xây dựng địa bàn thực sự là những hạt nhân chính trị vững chắc trong hệ thống chính trị của phường, quận, TP.

Vào tối 10/11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân khu dân cư 22, 23 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, năm 2017, với sự đoàn kết cao độ của các tầng lớp Nhân dân nền kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) ước tăng 8,1%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,7%.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số cải cách hành chính năm 2016 tăng 6 bậc so với năm 2015, xếp thứ 3/63 tỉnh, TP. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh, TP. Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông xếp thứ 2/63 tỉnh, TP...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các tầng lớp Nhân dân tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần; thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đoàn kết chung sức xây dựng đô thị văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Cũng trong tối 10/11, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã về dự Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư” cùng với Nhân dân thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư” được tổ chức hàng năm là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, nhằm ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; đồng thời, là dịp để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.