Tiêu hủy gần 20.000 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Hiện nguy cơ bùng phát dịch rất cao, các địa phương cần triển khai quyết liệt, đồng bộ biện pháp phòng chống DTLCP.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2021, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn, cao gấp hơn 3,2 lần so với năm 2020. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 321 xã của 36 tỉnh, TP, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn. Hiện nay, cả nước có 168 ổ dịch tại 73 huyện của 31 tỉnh, TP chưa qua 21 ngày.

Cả nước tiêu hủy gần 20.000 con lợn mắc  bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm tới nay
Cả nước tiêu hủy gần 20.000 con lợn mắc  bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm tới nay

Đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đưa ra khuyến cáo, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và phát sinh là rất cao, do đặc điểm của virus DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Hiện chưa có thuốc, vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng đầu năm. Một số người chăn nuôi còn chậm hoặc không thực hiện báo cáo khi xảy ra dịch bệnh.

Ngày 18/11/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 7808/BNN-TY báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh và công tác hỗ trợ phòng, chống bệnh DTLCP. Theo đó, đã đề xuất tiếp tục thực hiện Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 và cho phép xây dựng Nghị định mới về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Tổ chức gửi mẫu virus DTLCP lấy trên lợn mắc bệnh năm 2021 đi giải trình tự và kết quả cho thấy virus DTLCP lưu hành năm 2021 thuộc genotype II và không có thay đổi về di truyền so với các chủng virus DTLCP lưu hành những năm trước đây.

Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để dịch bùng phát diện rộng, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Bố trí các nguồn lực để tổ chức có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.