Tiêu nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập úng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến của cơn bão số 3, ngày 18/8, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) có công văn khẩn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh phía Bắc về tập trung phòng chống bão cho cây trồng vụ Hè Thu, Mùa năm 2016.

Trong đó Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo các địa phương thoát kiệt nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh. 

Đồng thời huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, các cống đầu khâu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Cùng với đó, lập phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa nguy cơ bị ngập úng. Huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để cứu lúa vùng bị ngập.

Cục Trồng trọt đề nghị, với vùng trồng rau màu, cần khuyến cáo nông dân vét sâu các rãnh luống, đào sâu cácđầu luống để thoát nước nhanh, kịp thời khi bị ngập, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối cây. Đối với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn do bão số 1 và 2 cần chỉ đạo bà con nông dân tạm dừng gieo cấy trong thời điểm này, đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau. Hiện, Chính phủ đã có quyết định cấp hỗ trợ  giống rau từ nguồn dự trữ hạt giống quốc gia nên các địa phương có phương án phân chia và chủ động khôi phục sản xuất sau bão.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, theo Cục Trồng trọt, các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đặc biệt đối với nhãn đã đủ tuổi thu hoạch. Đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. 

Đối với diện tích lúa, màu ít bị ảnh hưởng cần khuyến cáo các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc Kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa, màu ở vùng bị ảnh hưởng nhẹ. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần