Doanh nghiệp chưa hết khó
Báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn gần 1.998,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp DN giảm 36%, xuống còn 205,9 tỷ đồng. Dù kết quả quý II/2023 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục trong quý đầu năm nhưng tính chung trong nửa đầu năm 2023, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.689,7 tỷ đồng, giảm 15% và lỗ sau thuế 26,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 167,4 tỷ đồng.
Năm 2023, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến đạt 8.987 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Công ty hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu và cách xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Cùng chung cảnh ngộ, đại diện lãnh đạo Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn cho biết, nửa đầu năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất với ngành xi măng từ trước đến nay. Nhu cầu xi măng thấp, suy thoái kinh tế, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình, dự án chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...
Sản lượng tiêu thụ xi măng quý II/2023 của Công ty Vicem Bút Sơn giảm hơn 101.000 tấn so với cùng kỳ khiến doanh thu sụt giảm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lỗ quý II 17 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 30 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vicem Bút Sơn đạt doanh thu hơn 1.343 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, DN này lỗ ròng hơn 32,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 47,2 tỷ đồng.
Năm 2023, Vicem Bút Sơn đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 3.532 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện 2022. Trong đó, sản lượng tiêu thụ clinker 400.000 tấn, xi măng 3,35 triệu tấn, tăng lần lượt 22% và 6%. Lợi nhuận sau thuế hơn 32 tỷ đồng, giảm 40%.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.
Những tháng cuối năm, Vicem Bút Sơn tăng cường phối hợp với các đơn vị thành viên nhằm ổn định giá bán xi măng tới các cửa hàng vật liệu xây dựng, người tiêu dùng và hệ thống trạm trộn giữa các công ty thành viên. Cùng với đó, bám sát tiến độ các dự án, công trình, trạm trộn (Dự án thủy điện Hòa Bình 2, đường vành đai biển, các dự án của Tập đoàn Vin Group, cao tốc Bắc - Nam...) để đẩy mạnh tiêu thụ xi măng; chủ động tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu...
Còn nhiều thách thức
Bộ Xây dựng cho biết, sản lượng xi măng trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 39 triệu tấn giảm 7% so với cùng kỳ. Tiêu thụ khoảng 43 triệu tấn giảm 10%, trong đó, tiêu thụ nội địa là 29 triệu tấn giảm 8%, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker (xi măng dạng thô) khoảng 15 triệu tấn giảm 15% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận, ngành xi măng trong quý II/2023 với tổng doanh thu của 14 DN sản xuất đã trở lại vùng dương khi đạt 58,9 tỷ đồng. Để có kết quả cải thiện như vậy, động lực chính đến từ chi phí nguyên liệu đầu vào giảm.
Kết quả kinh doanh khác nhau giữa các công ty tùy thuộc vào thị trường kinh doanh chính của họ, giá đầu vào của từng DN trong bối cảnh chịu tác động từ cuộc cạnh tranh khốc liệt và lực cầu thị trường yếu. Các công ty hoàn thành kế hoạch năm ở mức thấp, đặc biệt là kế hoạch lợi nhuận, dù cho đã đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng cho năm 2023.
Về tình hình quý III/2023, đội ngũ phân tích cũng nhận định, nhu cầu sẽ tiếp tục yếu khi mùa mưa đến, dự báo sản lượng tiêu thụ chỉ 23,8 triệu tấn. Về xuất khẩu, với việc thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn chưa cải thiện khiến lợi nhuận chững lại. "Hiện các DN xuất khẩu xi măng đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh lực cầu yếu từ thị trường xuất khẩu lớn nhất" - đại diện đội ngũ phân tích của KIS cho biết.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, mặc dù tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng tăng 4,7% trong 2 quý đầu của năm 2023 nhưng giá trị sản xuất một số vật liệu xây dựng chủ yếu vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình là sản xuất xi măng đạt 46 triệu tấn, giảm 5% và tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, giảm 7%. Tiêu thụ giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao đã khiến ngành xi măng đối diện với tình thế khó khăn nhất so với nhiều năm qua.
Từ nội tại ngành, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt xa cầu dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các thị trường xuất khẩu xi măng, clinker chính gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung xi măng trong năm 2023 dự báo tiếp tục tăng khi có thêm 2 dây chuyền mới đi vào sản xuất là Long Thành và Xuân Thành 3, ước tổng công suất các nhà máy xi măng khoảng 115 triệu tấn; còn nhu cầu nội địa chỉ khoảng 62 - 65 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh, thành phía Nam có thể giúp giải quyết được bài toán tiêu thụ loại vật liệu xây dựng này trong thời gian tới. Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.
Trước mắt, các DN xi măng nên tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, việc tìm mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả thị trường xuất khẩu cũng là một trong những giải pháp quan trọng.