Tìm giải pháp để xây dựng nền giáo dục thực chất

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 16/9, ĐH Thủ đô đã tổ chức Hội thảo quốc gia theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Xây dựng nền giáo dục thực chất - Định hướng và giải pháp”. Hội thảo nhận được sự tham gia của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý đến từ bộ, ngành cơ quan T.Ư; các nhà lãnh đạo, quản lý đến từ Thành ủy, UBND, các Sở, ban ngành của TP Hà Nội; quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng quản lý và giáo viên đến từ các nhà trường phổ thông.

Hành động vì một nền giáo dục thực chất
Với 3 nội dung chủ yếu: Quan điểm về một nền giáo dục thực chất của Việt Nam và Thế giới; Dạy thật, học thật – Bài học từ thực tiễn; Định hướng và giải pháp phát triển nền giáo dục thực chất, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, học giả, chuyên gia, nhà quản lý và tất cả mọi người quan tâm trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Khoa học giáo dục, đặc biệt là vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hướng tới nền giáo dục thực chất “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Trên cơ sở các luận cứ khoa học, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Hội thảo cùng chia sẻ các định hướng, giải pháp cho việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật”, từ đó góp phần vào tiến trình hành động vì một nền giáo dục thực chất trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
 PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng; GS.TS Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô chủ trì Hội thảo tại điểm cầu ĐH Thủ đô
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội nêu quan điểm về học thật, dạy thật và tuyển dụng đúng. Theo đó, học thật hay thực học, về phương diện nội dung là một nền giáo dục hay một nhà trường cần hình thành và phát triển cho người học những phẩm chất, tri thức, kỹ năng, năng lực thực sự để sau khi rời ghế nhà trường, người học hoàn toàn có đủ khả năng, sự tự tin để sử dụng những tri thức này trong hoạt động nghề nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển của cá nhân, đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Học thực còn có ý nghĩa là học những cái thực sự mà mỗi cá nhân cần, mong muốn đạt được để phát triển nghề nghiệp, phát triển nhân cách của bản thân.
Dạy thật là dạy những cái thiết thực, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của xã hội đối với từng ngành, nghề, ở từng vị trí việc làm. Dạy thật cũng như học thật, gắn liền với toàn bộ quá trình giáo dục trong các nhà trường từ việc xác định mục tiêu thực, thiết yếu, đến việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và giáo dục phù hợp với người học và yêu cầu chất lượng nhân lực của xã hội. Đánh giá kết quả học tập của người học là đánh giá đúng sự học, đánh giá đúng với mức độ thực học của người học đạt được, đánh giá một cách khách quan.
Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đúng năng lực từng người và có chính sách phù hợp sẽ là một trong những nguyên nhân căn cơ, cốt lõi để người học sẽ học thực, nhà trường sẽ dạy thực, xã hội sẽ có được những nhân tài thực sự, đóng góp và thúc đẩy sự phát triển của xã hội một cách nhanh chóng, bền vững.
Cơ hội trao đổi học thuật khách quan, đa chiều
Hội thảo đã nhận được hơn 125 tham luận của các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp cũng như của các nhà quản lý giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, Sở, Phòng giáo dục các quận huyện, trường đại học, phổ thông trên cả nước...; đây là cơ hội để việc trao đổi học thuật được rộng mở, đa chiều và khách quan hơn
Ở nội dung “Quan điểm về nền giáo dục thực chất của Việt Nam và thế giới”, Hội thảo nhận được hơn 30 bài viết của các tác giả trình bày các quan điểm về nền giáo dục thực chất từ góc độ nghiên cứu các quan điểm, mô hình giáo dục trên thế giới và ở Việt Nam; lịch sử hình thành nền giáo dục Việt Nam qua các thời đại, truyền thống hiếu học; thành tựu và những rào cản trong quan niệm “khoa cử”, “vinh thân phì gia” của người xưa; giáo dục thực chất ở bậc đại học…
 Hội thảo quốc gia được thực hiện qua hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều khách mời, diễn giả
Tại phần “Dạy thật, học thật – Bài học từ thực tiễn”, các tác giả tập trung vào khảo sát, phân tích thực trạng giáo dục Việt Nam ở nhiều khía cạnh, góc độ và ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử. Từ đó đưa ra những kiến giải, những bài học thực tiễn để xây dựng nền giáo dục thực chất trong bối cảnh hiện nay. Tại nội dung “Định hướng và giải pháp phát triển nền giáo dục thực chất”, đã thể hiện “khát vọng” kiếm tìm các giải pháp để xây dựng “nền giáo dục thực chất nước nhà”, đó là giải pháp về “dạy thật học thật ở các cấp học”, chế độ chính sách giáo dục, thay đổi chương trình, sách giáo khoa, đổi mới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học…
“Từ Hội thảo, chúng tôi mong muốn được phối hợp với các đơn vị, các nhà khoa học thực hiện những công trình ý nghĩa đối với nghiên cứu quản lý, quản trị, khoa học giáo dục. Chúng tôi coi thành công của một Hội thảo là có những trao đổi trên tinh thần khoa học và khách quan; mặt khác cũng cho thấy giáo dục là một thực thể xã hội động, đa diện, luôn được phát triển và kiến tạo những giá trị mới. Hy vọng những vấn đề về giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục được nghiên cứu và có những giải pháp phát triển nền giáo dục nước nhà trong hành trình hội nhập thế giới”- GS. TS. Đặng Văn Soa - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội bày tỏ.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 tại Hội nghị T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt,...”. Trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT vào đầu tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngành GD&ĐT cần phải thực hiện chủ trương “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Ngay lập tức, chủ trương này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của tất cả tầng lớp xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo dục, cha mẹ học sinh, cộng đồng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt định hướng quan trọng của Thủ tướng thông qua Chương trình hành động cụ thể của ngành. Với sứ mệnh “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước”, Đại học Thủ đô Hà Nội rất ủng hộ chủ trương lớn này.