Tìm giải pháp giảm thiểu thiên tai cho miền Trung – Tây Nguyên

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị giải pháp phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hội nghị kết nối trực tuyến với hơn 230 điểm cầu của các Bộ, ngành, tỉnh huyện, cấp xã.

Khu vực thường xuyên gánh chịu thiên tai

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%), tập trung trong các tháng 9, 11.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tổng Cục PCTT
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tổng Cục PCTT

Lũ, ngập lụt thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực miền Trung và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt. Đơn cử như từ giữa tháng 9 đến tháng 11/2020, miền Trung liên tiếp xảy ra 4 đợt lũ lớn trên 16 tuyến sông chính trong khu vực đã vượt mức báo động 3. Trong đó có 7 tuyến sông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt mức nước lũ lịch sử; ngập lụt sâu, kéo dài trên diện rộng tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam.

Sạt lở đất, lũ quét cũng là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía Tây các tỉnh miền Trung. Chắc hẳn nhiều người dân miền Trung vẫn còn ám ảnh các vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra trong năm 2020, đó là: Sạt lở đất ngày 12/10 vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 công nhân bị mất tích; sạt lở đất đêm 12/10 tại trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh; sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào ngày 18/10 làm 22 chiến sỹ hy sinh; sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sau bão số 9 (ngày 28/10) làm 47 người chết, mất tích.

Quân đội tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại  Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Q.HẢI 
Quân đội tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra tại  Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Q.HẢI 

Bên cạnh đó, Duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, gây thiệt hại lớn về sản xuất; trong đó khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận với lượng mưa trung bình 800-900mm/năm thấp nhất cả nước thường xuyên xảy ra hạn hán.  

Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5-10m/năm, cá biệt có những nơi tới 25m/năm.

Trong khi đó, Tây Nguyên là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, bão. Trong đó hạn hán, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là các loại hình thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn cho khu vực. 

Nhiều tồn tại

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 638 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp kéo dài nhưng chưa có kinh phí đầu tư, sửa chữa. Ngoài ra, hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn trên thượng nguồn chưa đồng bộ đã gây nhiều khó khăn cho việc dự báo về mưa, lũ và lưu lượng dòng chảy đến hồ cần bố trí lắp đặt tăng dày trạm.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng. Hiện nay có 88 vị trí bờ biển bị xói lở trầm trọng với tổng chiều dài 129km.

Sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra ở biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Công Huy
Sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra ở biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Công Huy

Các tuyến Quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường sắt Bắc Nam có hướng vuông góc với dòng chảy gây cản lũ; khẩu độ các cầu, cống qua đường không đảm bảo thoát lũ. Việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, khu dân cư chưa tính toán đầy đủ dẫn đến cản trở thoát lũ hoặc kéo dài thời gian ngập sâu (lưu vực sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình; sông Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam…). Xây dựng công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là khu vực đô thị (lũ quét, sạt lở đất tại Nha Trang, Khánh Hòa năm 2018).

Tình trạng sạt lở đất, lũ quét xảy ra tại khu vực miền núi sau những đợt mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.

Dù là khu vực thường xuyên gánh chịu những tổn hại nặng nề về thiên tai nhưng nhiều nhà ở của người dân miền Trung chưa đảm bảo an toàn và bị thiệt hại khi xảy ra lũ lớn, bão mạnh đổ bộ.

Hình ảnh lũ lớn ở Quảng Trị năm 2020. Ảnh: Q.Hải
Hình ảnh lũ lớn ở Quảng Trị năm 2020. Ảnh: Q.Hải

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhìn nhận: Khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm nào thiên tai cũng diễn ra rất dữ dội. Chính quyền và người dân ở đây rất nỗ lực, nhưng so với yêu cầu thì hiện nay còn nhiều điểm cần hỗ trợ cho khu vực này.  

Đề nghị hỗ trợ xây nhà tránh lũ cho dân    

Tại hội nghị, các địa phương đã nêu ra nhiều đề xuất nhằm giúp người dân miền Trung giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị: Xây dựng Đề án Phát triển bền vững khu vực trọng điểm miền Trung thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu (chọn tỉnh Quảng Nam làm điển hình); ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho việc tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cần có khoản vay khẩn cấp ngoài ngân sách và quy định cơ chế tài chính, cấp phát cho các địa phương để thực hiện hỗ trợ, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (thứ ba phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ hai phải sang) tại hiện vụ sạt lở ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng  Trị) năm 2020. Ảnh: Q.HẢI
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (thứ ba phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ hai phải sang) tại hiện vụ sạt lở ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng  Trị) năm 2020. Ảnh: Q.HẢI

TP Đà Nẵng đề xuất đối với các khu vực miền núi, trung du cần triển khai cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; trang bị thông tin liên lạc truyền tin đến các thôn, bản để phục vụ cảnh báo, cảnh giới và triển khai và triển khai kịp thời công tác tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra những tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của các cơ quan chuyên môn; nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Vu Gia – Thu Bồn, quy trình vận hành hệ thống đập dang An Trạch cho phù hợp với tình hình địa phương.

Còn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phát triển diện tích rừng phòng hộ và khuyến khích hỗ trợ người dân trồng rừng cây lâu năm, gỗ lớn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân để tăng năng lực, chất lượng thảm phủ. Cùng với đó, nghiên cứu đánh giá, bổ sung và mở rộng cầu cống trên hệ thống các công trình giao thông, nhất là tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt để tăng khả năng thoát lũ; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù  cho việc tái thiết sau thiên tai cho khu vực miền Trung.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ vốn đầu tư khoảng 1.935 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, vốn ODA và các nguồn khác để thực hiện những dự án tiêu thoát lũ vùng hạ du và chống bồi lắp cửa biển, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa tỉnh Thừa Thiên Huế.

Là tỉnh cũng thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần có cơ chế chính sách cho dân vùng lũ. Theo đại diện tỉnh này này, do địa hình miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng có độ dốc lớn, nên khi mưa to, lũ thường lên rất nhanh, có vùng lên 2-3 ngày. Khi gặp mưa lớn trên diện rộng như thời gian vừa rồi thì tài sản của người dân bị mất mát, thiệt hại nặng nề.

Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung Ương hỗ trợ xây nhà tránh lũ quy mô nhỏ cho nhân dân vùng thường xuyên bị ngập lụt ở khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Trị.