Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp kiểm soát dòng vốn nóng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khủng hoảng nợ tại châu Âu và dự báo khả quan về đà tăng trưởng ấn tượng của châu Á bất chấp tác động của thảm hoạ động đất- sóng thần - khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản,... đã biến châu Á thành nơi trú ẩn cho các luồng vốn nước ngoài.

KTĐT - Khủng hoảng nợ tại châu Âu và dự báo khả quan về đà tăng trưởng ấn tượng của châu Á bất chấp tác động của thảm hoạ động đất- sóng thần - khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản,... đã biến châu Á thành nơi trú ẩn cho các luồng vốn nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng, dòng vốn đầu tư của nước ngoài có thể thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa đến kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính khi nó có thể chảy khỏi châu Á bất cứ lúc nào. Đặc biệt, dòng tiền này khiến các Ngân hàng Trung ương châu Á gặp khó khăn khi muốn nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng lo ngại động thái này sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tìm kiếm lợi tức cao hơn.

Tại Trung Quốc, bất chấp việc Chính phủ ban hành nhiều biện pháp mạnh tay nhằm siết chặt thị trường bất động sản, luồng tiền nóng vẫn tràn vào thị trường béo bở này. Các nhà kinh tế dự đoán năm 2011, các công ty xuyên quốc gia sẽ đổ vào thị trường nhà đất châu Á tới 104 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2010, trong đó Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á là một điểm đến quan trọng. Số liệu của Sở Giao dịch quyền sở hữu đất đai Thượng Hải cho biết, cuối tháng 2/2011, kim ngạch giao dịch này vượt ngưỡng trên 100 tỷ Nhân dân tệ (NDT), trong đó chủ yếu là các công ty nhà đất nước ngoài mới thành lập tham gia đầu tư. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (PBOC) kiêm Cục trưởng Cục Quản lý ngoại tệ Dịch Cương cho biết, tiền nóng nước ngoài đổ vào kinh doanh nhà đất trong tháng 1/2011 ngang bằng mức kỷ lục tháng 4/2008. Theo các chuyên gia, đây là số vốn đáng báo động và POBC cần áp dụng thêm các biện pháp quản lý vốn nước ngoài đầu tư vào nhà đất. Nếu không "bong bóng" bất động sản của Trung Quốc sẽ ngày càng phình to, gây nên những hậu quả tiêu cực và lâu dài với kinh tế.

Nhằm giúp các nước đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi kiểm soát được "dòng vốn nóng",Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 8/4 đã công bố "Kinh nghiệm xử lý dòng vốn nước ngoài và những chính sách khả thi". Theo đó, IMF kêu gọi các nền kinh tế mới nổi nhanh chóng áp dụng chính sách toàn diện để xử lý hiệu quả dòng vốn nóng đang ồ ạt đổ vào các nền kinh tế này. IMF cũng đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn các nền kinh tế mới nổi kiểm soát dòng vốn đầu tư của nước ngoài nhằm ngăn ngừa nguy cơ đầu cơ, đồng thời hợp pháp hóa công cụ kiểm soát vốn mà chính IMF trước đây đã từng phản đối.

Báo cáo "Kinh nghiệm xử lý dòng vốn nước ngoài và những chính sách khả thi" được coi là nỗ lực của IMF nhằm thừa nhận việc kiểm soát vốn ngắn hạn để xử lý dòng "tiền nóng" trong khi vẫn coi việc lập các hàng rào dài hạn để ngăn chặn nguồn vốn nước ngoài là bất hợp pháp. Đây cũng là lần đầu tiên IMF thừa nhận việc sử dụng các biện pháp hạn chế dòng vốn nước ngoài quá lớn đổ vào nền kinh tế một nước là có thể chấp nhận được, mở ra bước ngoặt quan trọng trong chính sách tiền tệ của IMF, thể chế tài chính quốc tế trước nay vẫn luôn hối thúc chính phủ các nước loại bỏ mọi hạn chế đối với dòng vốn nước ngoài.