Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội] Bài 2: Từ chủ trương đến hành động

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, Hà Nội duy trì quan điểm “Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển bền vững Thủ đô” trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Để hiện thực hóa quan điểm này, Hà Nội không chỉ ban hành các nghị quyết, đề án mà còn đề ra những việc làm cụ thể để thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Xác định văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững

Có thể khẳng định, Hà Nội đã ban hành không ít nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng. Cụ thể, ngày 9/4/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU về triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Kế hoạch nêu rõ, việc xây dựng nghị quyết nhằm đánh giá, làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của TP Hà Nội. Từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải đối mặt để định vị tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thật sự có tiềm lực, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội và hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
 Biểu diễn múa rối nước tại Hoàng thành Thăng Long (ảnh chụp trước Covid-19). Ảnh: Phương Nguyên
Trên cơ sở đó, định hướng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp văn hóa bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người; đồng thời bảo tồn khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng của Hà Nội; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa; coi công nghiệp văn hóa là một động lực quan trọng, là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm để xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng bền vững...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021 - 2025 là từng bước phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU tập trung cho nhiệm vụ hoàn thiện Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tổ chức 3 tọa đàm trên các lĩnh vực, cấp độ phù hợp nhằm huy động những sáng kiến, tham vấn trí tuệ, tâm huyết đóng góp cho dự thảo Nghị quyết, với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Phát triển theo hướng nào?

Với 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ thì Hà Nội đều có thế mạnh, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa, kiến trúc, thiết kế... Tuy nhiên, trước bài toán phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thừa nhận Hà Nội không thể cùng lúc tập trung cho tất cả các lĩnh vực mà cần chia thành nhiều giai đoạn: 2021 - 2025, 2025 - 2030, 2030 - 2045. Hà Nội cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn.

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho hay, vừa qua UNESCO đã làm việc với lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo, sau khi TP gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo”. UNESCO, phối hợp với các đối tác để phát triển dự án 3 năm với nội dung “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội” với khẩu hiệu “Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội”.

Dự án này gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần 1 hướng tới việc tạo ra và thúc đẩy các nền tảng để kết nối các sáng kiến văn hóa đang diễn ra của thanh niên. Hợp phần 2 sẽ hỗ trợ tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và thúc đẩy tiềm năng kinh doanh của các nhà thiết kế trẻ. Và hợp phần 3 sẽ giúp các TP kết nối với những đối tác trong và ngoài nước để tổng hợp sức mạnh nguồn lực giữa những chương trình hiện tại và tương lai liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, củng cố khả năng thu hút các nguồn lực để đưa Hà Nội tiến lên phía trước.

“Sáng kiến này sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chiến lược mới cho Thủ đô Sáng tạo - một TP trao quyền cho công dân của mình, xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới, và hướng tới một cách tiếp cận bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển” - ông Michael Croft nói.

TS Lê Thị Minh Lý cho rằng, thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản. Đồng thời, Thủ đô đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa - tiềm năng của công nghiệp văn hóa.

Từ cách tiếp cận dựa vào di sản văn hóa, các chuyên gia nhận thấy việc xây dựng chiến lược của Hà Nội cần quan tâm đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay, từ đó có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa. Đặc biệt, cần chú trọng, ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định, nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, quyền/lợi ích của chủ thể văn hóa, bình đẳng văn hóa và bản quyền…

(Còn nữa)
"Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Hà Nội nên thúc đẩy khách du lịch không chỉ tập trung tới nội đô mà cần mở rộng ra xung quanh, tạo thành vùng thủ đô như khu vực sông Hồng. Con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác. Phố đi bộ Hoàn Kiếm cũng là sáng kiến quan trọng, cần phát triển nhiều tuyến phố tương tự." -  Trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France (Pháp) và TP Hà Nội - Emanuel Cerise

"Hà Nội không giống bất kỳ TP nào khác ở Đông Nam Á bởi sở hữu nền tảng văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới. Hà Nội cần tổ chức nhiều sự kiện lớn ở tầm quốc tế hơn nữa. Italia với thế mạnh bảo tồn di sản văn hóa sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Hà Nội trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa." - Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonion Alessandro