Tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Hạnh Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có ưu thế về văn hóa, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn; có nguồn tài nguyên tự nhiên độc đáo nhất trong cả nước; hội tụ những thời cơ, thuận lợi và thách thức của đất nước trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Việc lựa chọn nghiên cứu, xây dựng các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp là điều rất cần thiết. Nhưng làm thế nào để hái ra tiền từ bề dày văn hóa nghìn năm sẽ là câu hỏi lớn cần rất nhiều lời giải của văn hóa Hà Nội.
Bài 1: Định vị vị thế văn hóa ngàn năm
So với nhiều quốc gia trên thế giới thì Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, khái niệm về công nghiệp văn hóa bị “ngủ vùi”. Nếu tính riêng trong nước, Hà Nội là mảnh đất giàu tiềm năng nhưng công nghiệp văn hóa của Hà Nội cũng đang đi sau nhiều TP khác như: TP Hồ Chí Minh, Huế… Hiện nay, TP Hà Nội đã và đang quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa bằng sự khởi đầu nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít gian truân.

Có tiềm năng nhưng lại đi sau

Hà Nội - Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi, không chỉ nổi tiếng với lịch sử lâu đời giàu bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, mảnh đất này còn là nơi quy tụ của nhiều nhân tài trong cả nước. Chính vì vậy mà nơi đây để lại một kho tàng tri thức, văn hóa đồ sộ cho dân tộc, chẳng thế mà người ta gọi Thăng Long là đất ngàn năm văn hiến. Những tinh hoa về văn hóa của đất Thăng Long xưa đã để lại cho đời nay những di sản vô cùng quý giá.
 Di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Nhận định Hà Nội có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ưu thế về lịch sử, văn hóa và con người so với các địa phương khác, TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: Hà Nội có lợi thế rất lớn về văn hóa so với các địa phương. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ, nhiều sản phẩm sáng tạo do người Hà Nội tạo nên được thế giới công nhận, hệ thống làng nghề và các di sản của Thủ đô cũng rất phong phú nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, thiết kế mẫu mã chưa mang tính ứng dụng cao, việc quảng bá sản phẩm còn manh mún, hầu hết do các nghệ nhân tự thực hiện…

So sánh Hà Nội với TP Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa, các chuyên gia thẳng thắn thừa nhận Hà Nội còn chậm và chưa chuyên nghiệp, cũng như chưa quan tâm hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ. “Công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn đang đi sau, chưa được đẩy lên thành thị trường, thiếu cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa cho văn hóa” - TS Lê Thị Minh Lý nhận định.

Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô. Phát biểu đề dẫn tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho hay, trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, TP cũng gặp không ít thách thức như: Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; quá trình đô thị hóa nhanh; giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới...

Trước thực trạng đó, ngày 9/4/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU triển khai nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết ra đời thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, coi công nghiệp văn hóa là một động lực quan trọng, là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm để xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.

Có thể mang lại nguồn thu lớn

Tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, công nghiệp văn hóa trở thành ngành “hái ra tiền”. Hongkong, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế điển hình chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo. Nhật Bản có doanh thu trung bình lên đến 2 tỷ USD từ viết truyện, xuất bản truyện, làm quà lưu niệm từ truyện... Hàn Quốc cũng không kém cạnh với những nhóm nhạc, phim ảnh được ưa chuộng trên toàn cầu. Trong bối cảnh bùng nổ của 4.0, công nghiệp văn hóa đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển.

Thế nhưng ở Việt Nam nói chung cũng như ở Hà Nội nói riêng, những con số thống kê về doanh thu của ngành văn hóa còn rất mờ nhạt, mặc dù lợi nhuận đem lại là không ít. Chỉ lấy ví dụ nhỏ từ quận Hoàn Kiếm, nơi được coi là vùng lõi của đô thị Hà Nội, trung tâm tiếp cận văn hóa nhiều địa phương, văn hóa quốc tế và cũng là nơi bảo tồn giá trị truyền thống, đưa văn hóa lên vị thế xứng đáng: Nếu năm 2015 doanh thu của quận đạt khoảng 4.200 tỷ đồng thì 2020 tăng lên gần 2,5 lần, trong đó nguồn thu không nhỏ từ hoạt động văn hóa do tổ chức sự kiện văn hóa đem lại. Cụ thể năm 2014, quận Hoàn Kiếm có phố đi bộ, năm 2016 tổ chức không gian đi bộ Hoàn Kiếm, bên cạnh đó là hệ thống nhà hàng dịch vụ, khách sạn vừa ổn định nguồn thu cho quận, tạo điều kiện để gắn kết nghệ sĩ, nghệ nhân. Hoàn Kiếm cũng là một trong những nơi tiên phong và chú trọng phát triển không gian văn hóa, không gian cộng đồng hiệu quả. Rõ ràng, nhìn vào những con số trên, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về khả năng "hái ra tiền" từ lĩnh vực văn hóa. Có điều, tiềm năng ấy ở trong nước trong đó có Hà Nội vẫn đang “ngủ vùi”, cho dù cơn sốt khởi nghiệp đã tràn qua mấy năm nay.

Cùng với chính sách cởi mở của tỉnh trong những năm gần đây, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị là “chìa khóa vàng” để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Điều cần thiết là xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các DN khởi nghiệp.

(Còn nữa)

"Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, được lựa chọn là chương trình công tác riêng liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ này (2021 - 2025), Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần Nhân dân."-  Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu trong tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”.


"Năm 2007, UNESCO đã đưa ra khái niệm: Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức. Công nghiệp văn hóa là sự nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế."- Ủy viên Thường trực Ủy Ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần