Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24/12 tới đây, trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết hợp với trực tuyến các điểm cầu ở các địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì, điều hành Hội nghị quan trọng này. Hội nghị diễn ra trong niềm hy vọng là cuộc trao đổi, học hỏi giữa các bộ, ngành, địa phương về việc tháo gỡ khó khăn, đầu tư nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Định lượng doanh thu của văn hóa
Sáng 19/12 tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định: Đây là Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, được quan tâm như đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa; những mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo; nêu những rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết: Ban tổ chức đã nhận được tham luận của 7 bộ ngành, 63 tỉnh thành đề cập đến các vấn đề quản lý văn hóa trong lĩnh vực của mình. Đặc biệt, những địa phương tiêu biểu về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hoặc 15 chuyên gia cũng có báo cáo tham luận tại Hội nghị.
Đặc biệt, thay vì định tính, thì các đơn vị như Bộ KH&ĐT cũng đã có những số liệu chỉ số phát triển của công nghiệp văn hóa ở từng ngành, từng địa phương cũng như đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GDP của cả nước trong một vài năm trở lại đây. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng còn thông tin, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022, Bộ Tài chính đã vào cuộc, chỉ đạo Tổng cục Thuế đã nghiên cứu chính sách về thuế thu nhập DN, thuế VAT để phù hơp với ngành đặc thù đầu tư lớn mà thu lại nhỏ lẻ, cụ thể là nghiên cứu chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, nguồn lực cho công nghiệp văn hóa.
Nhận định rõ rào cản, đề xuất giải pháp phát triển
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhấn mạnh mục đích thúc đẩy ban hành cơ chế, chính sách và các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển. Tại Hội nghị, bên cạnh bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua, sẽ có những con số đánh giá thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa gồm điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.
Ban tổ chức hy vọng với 1 ngày thảo luận, trao đổi đầy đủ các nội dung, trong sự chung tay của Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, Hội nghị sẽ nhận định rõ các rào cản, đề xuất ra các giải pháp báo cáo Chính phủ. “Trên cơ sở kết quả Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có các giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam…” - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng nhấn mạnh. Cụ thể với Bộ VHTT&DL, thay vì đề xuất đầu tư tràn lan cho 12 ngành công nghiệp văn hóa, Bộ sẽ đề xuất tập trung 6 lĩnh vực mà Việt Nam đang có dư địa và tiềm năng.