Nhận diện được những khó khăn
PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, hiện nay, nhu cầu sử dụng VLXD trong xây dựng ở nước ta vẫn rất lớn vì diện tích nhà ở toàn quốc vẫn còn thấp, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 43%, hệ thống kết cấu hạ tầng về giao thông, năng lượng chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành VLXD gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế xây dựng của đất nước.
Theo số liệu của Vụ VLXD, đối với xi măng chi phí nhiên liệu than chiếm tỷ trọng đến 50% chi phí sản xuất clanhke nhưng nguồn cung khan hiếm, giá bán than tăng cao khiến chi phí sản xuất "đội" thêm 11%. Với gạch ốp lát, chi phí than chiếm 30% (tăng 5% chi phí sản xuất). Từ năm 2023 đến nay, tiêu thụ clanhke và xi măng đều sụt giảm. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay của ngành xi măng.
Lượng clanhke xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm lớn. Tổng lượng clanhke xuất khẩu cả năm 2022 chỉ đạt 15,2 tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022). Đến hết quý III/2024, tổng sản lượng xi măng, clanhke tiêu thụ khoảng 66 triệu tấn, chỉ tăng 1% so với năm 2023. Xuất khẩu sản phẩm xi măng và clanhke khoảng 22,4 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2023, giá trị xuất khẩu đạt 0,83 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2023.
Về sứ vệ sinh, nhiên liệu thường là khí hóa than, dầu FO, khí tự nhiên hóa lỏng hoặc khí gas hóa lỏng nhưng giá bán liên tục biến động theo thị trường thế giới và trên đà tăng mạnh kể từ năm 2022 khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà máy. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt 11,5 triệu sản phẩm tương đương 92% sản lượng sản xuất và giảm 6,55% so với năm 2022. Sản lượng tiêu thụ quý III đạt 3,5 triệu sản phẩm, tính chung 9 tháng năm 2024 là 8 triệu sản phẩm (tương đương 75% sản lượng sản xuất) và chỉ tăng 8% so với năm 2023. Tồn kho đến hết quý III là 2,5 triệu sản phẩm.
Với kính xây dựng, chi phí nhiên liệu dầu chiếm hơn 40% tổng chi phí sản xuất nhưng nguồn cung rất khan hiếm, giá tăng cao lên khoảng 5%. Năm 2023, lượng tiêu thụ của vật liệu này đạt 153 triệu m2, giảm 33% so với năm 2022. Ước tính hết quý III/2024, sản lượng tiêu thụ kính xây dựng đạt 97 triệu m2 QTC (khoảng 87,5% sản lượng sản xuất), tương đương cùng kỳ năm 2023.
Đối với VLXD không nung, năm 2023, sản lượng tiêu thụ đạt 4,8 tỷ viên QTC, chiếm 20% so với tổng sản lượng tiêu thụ VLXD. Đến cuối quý III/2024, sản lượng tiêu thụ đạt 3,75 tỷ viên QTC, chỉ tương đương cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, việc giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023, dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất các sản phẩm xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh thêm 1%.
Nguồn nguyên liệu như đá vôi, đất sét (đối với xi măng) gặp khó khăn vì thủ tục cấp phép khi nâng công suất khai thác các mỏ nguyên liệu để bảo đảm sản xuất. Nguồn cung các nguyên liệu phụ giá trong sản xuất clanhke khan hiếm, giá thành cao. Về gạch ốp lát với nguyên liệu chính là đất sét còn khai thác thủ công...
Cùng với sức ép về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN VLXD, đặc biệt là xi măng trong việc đầu tư hệ thống phát điện sử dụng nhiệt thừa và sử dụng các nguyên liệu thay thế như tro xỉ, thạch cao nhân tạo... phế thải của các ngành công nghiệp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
PGS.TS Lê Trung Thành cho rằng, cùng với khó khăn về tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, hiện nay các DN sản xuất VLXD, đặc biệt với khối DN xi măng đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất. Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các DN phải trả nợ vốn vay, cộng với vay lãi cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi rất lớn.
"Do tiêu thụ sản phẩm rất chậm, nhiều DN đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy VLXD, đặc biệt là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu" - PGS.TS Lê Trung Thành cho biết.
Cần giải pháp sâu rộng, hiệu quả
Từ những khó khăn nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát cơ chế, chính sách, thể chế để khuyến khích đầu tư phát triển ngành VLXD nhanh và bền vững, phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm mặt băng lãi suất cho vay với các khách hàng, trong đó có DN ngành VLXD theo quy định pháp luật. Ban hành các chính sách ưu đãi về sử dụng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, phế thải như tro xỉ, thạch cao... làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất VLXD. Tăng cường biện pháp về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá đối với các sản phẩm sắt thép, sản phẩm VLXD như gạch ốp lát nhập khẩu, ván sợi gỗ, sứ vệ sinh... nhằm loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bảo đảm phù hợp với những quy định của Việt Nam và WTO.
PGS.TS Lê Trung Thành nhìn nhận, những khó khăn hiện nay cũng là dịp để sàng lọc năng lực và tính hiệu quả đối với các DN và sản phẩm VLXD của Việt Nam. Trong tình hình như vậy, các DN, tổ chức khoa học, đào tạo, các hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước cùng phải tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hợp tác quốc tế để nâng cao năng suất, chất lượng...
Về phía DN, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) Đinh Quang Dũng cho biết, Nhà nước cần khuyến khích hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, thông qua những chương trình hợp tác công nghệ và đầu tư. Thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành xi măng, hỗ trợ DN nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới.
Cùng với đó, tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo khoa học và khóa học chuyên sâu về công nghệ nhằm triển khai hiệu quả chương trình kinh tế tuần hoàn. Xây dựng hệ thống giám sát và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm tính minh bạch và chính xác.
Ngành công nghiệp sản xuất VLXD để khai thác hết công suất các dây chuyền là một vấn đề nan giải, nhất là VLXD. Đặc biệt, trước tình hình thế giới có nhiều bất ổn kéo dài, thị trường bất động sản trầm lắng, chi phí vận tải và giá nguyên liệu cao, thị trường nhập ngoại tăng lên cùng các loại thuế, phí … thì tình hình tiêu thụ VLXD càng khó khăn hơn.
Thạc sĩ Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam