Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lạc quan trong chỉ số giá bất động sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thêm những tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản khi mới đây, cả cơ quan quản lý là Sở Xây dựng Hà Nội và đơn vị tư vấn Savills Việt Nam đều khá “thống nhất” nhận định về những điểm sáng trong chỉ số giá bất động sản quý III/2014.

Theo Savills, trong quý III/2014, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội ở mức 102,7%, tăng 2,4% theo quý. Quý này cũng chứng kiến sự tăng lên đáng kể trong cả mức so sánh theo quý và theo kỳ cơ bản, điều này có thể được coi như một tín hiệu tích cực cho thị trường.

Tại Hà Nội, giá trung bình trong quý III/2014 ở mức 25,2 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý. Các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Ba Đình có mức giá cao nhất do có vị trí trung tâm và nhiều dự án hạng cao được phát triển tại đây.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng tồn kho giảm mạnh 24% theo quý và 26% theo năm do hoạt động sôi động hơn trên toàn thị trường. Trong quý này, tỷ lệ hấp thụ tại Hà Nội đạt 38%, tăng hơn 15% theo quý.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản căn hộ chung cư quý III/2014 với nhận định rằng, chỉ số giá bất động sản quý này được ghi nhận mức tăng khá đều ở các quận, ngoại trừ chung cư cao cấp tại quận Tây Hồ và chung cư bình dân tại quận Hoàng Mai.

Nếu lấy thời điểm gốc để tính toán là quý I/2011 với mức điểm 100%, mức tăng giá của chung cư phân khúc trung và cao cấp tại các địa bàn được khảo sát, xây dựng chỉ số từ 1 - 3%... Chẳng hạn như như tại quận Ba Đình, mức tăng của chung cư trung cấp so với quý II/2014 là 1%. Tại quận Cầu Giấy, chung cư trung cấp tăng từ 82%, lên 85%; chung cư cao cấp tăng từ 72%, lên 74%. Tại quận Hoàng Mai, mức tăng của chung cư trung cấp là 2%; Long Biên tăng 1%; Hà Đông được ghi nhận tăng 3%; Hai Bà Trưng tăng 2%... Hai quận mới Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có mức tăng của chung cư trung cấp 2% so với quý liền trước. Quận Thanh Xuân với mức giá ở cả 2 phân khúc chung cư trung cấp và cao cấp đều tăng 3% và là địa bàn có nhiều khởi sắc trong quý vừa qua, do nguồn hàng khá dồi dào.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cùng lấy mức giá tại thời điểm quý I/2011 làm thời điểm gốc, chỉ số giá bất động sản tại Hà Nội hồi phục chậm hơn so với TP. HCM khoảng 20 - 30%. Thị trường Hà Nội cũng có tính thanh khoản kém hơn do giá nhà tại Hà Nội thời điểm quý I/2011 cao hơn nhiều, trong khi tính đa dạng của sản phẩm cũng kém hơn thị trường phía Nam.

Đó có thể là những gợi ý thú vị cho các chủ đầu tư và khách mua nhà trong việc tiếp cận thị trường trên những địa bàn cụ thể của thủ đô!

Còn xét trên bình diện cả nước, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2014, hoạt động kinh doanh bất động sản đã tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2013. Con số tăng trưởng khiêm tốn này thực ra rất đáng mừng nếu tính đến một thời gian dài hoạt động kinh doanh này ngấp nghé ở ngưỡng thụt lùi hoặc dậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân của sự khởi sắc được cho là do lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ ngành bất động sản đã và đang phát huy tác dụng, cùng với những điều kiện cho vay mua nhà được nới lỏng.

Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực hơn của các nhà đầu tư với tư duy vì khách hàng hơn. Người mua nhà cũng xác định đã đến thời điểm xuống tiền, thay vì tâm lý chờ đợi dè dặt như trước đó.

Có thể thấy ngay tác động rằng, bất động sản khởi sắc đã có tác động lan tỏa trước hết tới những ngành trực tiếp liên quan. Chẳng hạn như với hoạt động xây dựng, vẫn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 467.100 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013.

Tất nhiên, người ta chưa thể trông chờ sự hồi phục mạnh một cách toàn diện của thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, ngân hàng dè dặt với nỗi lo nợ xấu và những gói cho vay bất động sản dù là tín dụng thương mại của ngân hàng, hay gói tín dụng hỗ trợ của Nhà nước vẫn tắc lối ra, thì các thành viên thị trường vẫn còn nhiều việc phải làm, phải lo, trước khi mơ về một thị trường tăng trưởng bền vững.

Mặc dù vậy, khi đã từng bị coi là gánh nặng của nền kinh tế trong một thời gian dài, nếu thị trường bất động sản tự đứng được trên đôi chân của nó cũng đã là một niềm lạc quan đáng chờ đợi!