Tìm lối thoát cho áp lực mùa thi
Kinhtedothi - Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, căng thẳng, mệt mỏi là cảm giác thường gặp đối với học sinh lớp 12. Trong thời gian này, sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, nhà trường có vai trò quan trọng giúp các em được giảm tải áp lực và vững vàng tâm lý trước kỳ thi.
Áp lực chồng chất
Chỉ còn hơn hai tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ diễn ra. Những ngày này, giống như nhiều học sinh lớp 12 khác, Nguyễn Đức Anh (quận Long Biên, Hà Nội) đang dành phần lớn thời gian để ôn tập kiến thức và giải đề. Mặc dù vậy, em vẫn không hoàn toàn yên tâm khi kỳ thi ngày một đến gần.

Học sinh lớp 12 gặp nhiều áp lực trước các kỳ thi, tuyển sinh.
“Năm nay là năm thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học nên em rất chú tâm vào việc học. Em đặt mục tiêu sẽ đỗ nguyện vọng 1 vào trường mình yêu thích nhưng điểm chuẩn của trường năm nào cũng cao nên em thấy rất áp lực” - Đức Anh nói.
Cùng nỗi lo như Đức Anh, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho mình, nhiều sĩ tử đã tham gia thi chứng chỉ và các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để được xét tuyển bằng nhiều phương thức hơn. Do mỗi bài thi đều có yêu cầu và cấu trúc khác nhau, đòi hỏi các em phải tăng cường ôn tập mới đáp ứng được. Quá trình chuẩn bị cho nhiều kỳ thi quan trọng cùng lúc dễ khiến các em mệt mỏi, đuối sức.
Bên cạnh đó, là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 12 còn phải đối mặt với nhiều thay đổi trong Quy chế thi tốt nghiệp như việc thay đổi số môn thi, cấu trúc, định dạng đề thi. Ngoài ra, những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2025, gồm: bỏ xét tuyển sớm, tính điểm học bạ cả năm lớp 12, quy đổi điểm xét tuyển về thang bậc chung.... cũng khiến các em lo lắng.
Chia sẻ về vấn đề này, Đỗ Lan Chi, học sinh lớp 12 tại Hải Dương cho biết, kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới nên em luôn có cảm giác lo âu. Em lo nhất là môn toán vì cấu trúc đề thi khác mọi năm, có những câu rất dài và nhiều dữ liệu. Cũng theo Lan Chi, không chỉ em mà nhiều bạn bè xung quanh cũng đang trải qua áp lực tương tự khi vừa ôn tập, luyện đề, vừa theo dõi những điều chỉnh về công tác tuyển sinh.
Để làm quen với dạng đề, tăng tốc độ xử lý, giải quyết các câu hỏi trong đề thi và đạt kết quả cao nhất, học sinh lớp 12 phải tăng thời gian, cường độ ôn tập. Và cũng bởi quá lo lắng, nhịp sinh hoạt của các em bị đảo lộn; những giấc ngủ bị rút ngắn, những bữa ăn không đều, không có thời gian cho thư giãn, giải trí, thể dục thể thao. Hậu quả của thói quen này là sức khỏe thể chất và tinh thần của các sĩ tử bị giảm sút. Nhiều học sinh cho biết, thức khuya khiến các em cảm thấy uể oải, nhức đầu vào sáng hôm sau, thậm chí ngủ bù trong giờ ra chơi nhưng vào tiết vẫn không thể tập trung học bài.
Đồng hành cùng sĩ tử
Theo các chuyên gia, học nhiều, không cho não bộ nghỉ ngơi cũng làm khả năng ghi nhớ và tiếp thu thông tin của học sinh suy giảm. Nhiều em vì thế mà không thể hiện tốt trong các kỳ thi thử; dễ nhầm lẫn và sai ở câu đơn giản, không tối ưu hóa được điểm số của mình.

Phụ huynh nhờ chuyên gia tâm lý cách thức chia sẻ và giải tỏa áp lực cho con (Ảnh: Ngọc Ánh).
Khi nhận điểm kém, học sinh dễ rơi vào trạng thái thất vọng, tự ti, gắt gỏng, nghi ngờ năng lực, mất lòng tin vào bản thân.... Tâm trạng đó kéo dài khiến các em nản chí, lơ đãng trong quá trình ôn tập; ảnh hưởng đến kết quả khi thi thật.
Cô Vũ Thị Thủy - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 ở Nam Định nêu tình trạng nhiều học sinh áp lực ngay từ khi chọn trường. Dù thời gian không còn nhiều nhưng một số em lại đặt ra mục tiêu quá cao so với năng lực của bản thân. Từ đây, các em sẽ cảm thấy tình trạng quá tải, căng thẳng, lo âu kéo dài nếu không đạt được số điểm như mong muốn. Cô Thủy lo ngại, nếu tiếp tục học với cường độ cao, tình trạng kiệt sức ở học sinh là điều có thể xảy ra.
Đưa ra lời khuyên với học sinh, cô Vũ Thị Thủy mong các em cần hiểu rõ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu của mình. Cùng với đó, cha mẹ hãy đồng hành, chăm lo sức khỏe thể chất, tinh thần và tạo động lực phấn đấu phù hợp cho các em.
Trong giai đoạn ôn thi nước rút, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tâm lý - hướng nghiệp Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nhà trường cần tổ chức lịch học hợp lý, tránh nhồi nhét kiến thức, đồng thời lồng ghép các buổi tư vấn tâm lý hoặc hoạt động thư giãn như thể dục, văn nghệ để giảm căng thẳng, mệt mỏi cho học sinh. Các thầy cô cũng nên động viên, khích lệ thay vì tạo thêm áp lực bằng cách so sánh học sinh khóa này với khóa trước.
Về phía phụ huynh, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, điều quan trọng là tạo không khí gia đình thoải mái, tránh kỳ vọng quá mức; lắng nghe, chia sẻ; đồng thời chăm sóc con cái về dinh dưỡng, sức khỏe, khuyến khích các con có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
“Với học sinh, các em cần học cách quản lý thời gian, lập kế hoạch ôn tập rõ ràng để không bị rối; cố gắng nghỉ ngơi, tập thể dục hoặc thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ và nhấn mạnh, thí sinh nên giữ tâm lý tích cực, tin vào năng lực bản thân, không tự tạo áp lực và hãy chuẩn bị cho mình phương án dự phòng để sử dụng khi cần thiết; có như vậy mới vượt qua được căng thẳng của các kỳ thi.

Đối thoại tư vấn hướng nghiệp 2025: “Gỡ rối” trước kỳ thi THPT
Kinhtedothi - Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước nhiều thay đổi của kỳ thi cũng như công tác tuyển sinh đại học, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp 2025”.

Hà Nội: quyết tâm tổ chức tốt các kỳ thi, tuyển sinh năm 2025
Kinhtedothi – Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, các kỳ thi, tuyển sinh năm 2025 tại Hà Nội tiếp tục có số lượng học sinh rất lớn; đòi hỏi ngành GD&ĐT Thủ đô cùng cả hệ thống chính trị TP phải chung sức, đồng lòng để tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh theo đúng quy định.

Thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2025
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội năm 2025.