Vừa qua, VietNam Design Group và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) đã chính thức phát động cuộc thi Designed by Vietnam trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – Vietnam Design Week 2023 lần thứ tư.
Thích nghi với biến đổi
Trong 4 năm tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo, TP Hà Nội đã triển khai các chính sách, hoạt động liên tục, mang tính thực chất. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, xây dựng Thành phố Sáng tạo TP Hà Nội đã có những cách triển khai, tiếp cận liên ngành, thu hút được sự tham gia của Sở ngành, qua đó để tạo ra những đổi mới tích cực.
Trong những năm trước đây, TP Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống. Trong đó có các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp Nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”.
Đặc biệt, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week là sự kiện thường niên đầu tiên và lớn nhất trong nước nhằm tìm kiếm và tôn vinh những sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam. Đến hẹn lại lên, năm nay Tuần lễ Thiết kế Việt Nam chọn “Thiết kế từ những hạn chế” làm đề bài cho các thí sinh ở 5 lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông, thiết kế Đồ nội thất, thiết kế Vật dụng và trang trí, thiết kế Trang phục, thiết kế công cộng và nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm”.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm trang trí và quà tặng hiện đang sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, từ thực vật (gỗ, mây, tre, lá) đến đất (sét, cao lanh), kim loại (đồng, nhôm). Vì vậy, NTK Lê Bá Ngọc cho hay: Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, cuộc thi khuyến khích các thí sinh đề xuất giải pháp thiết kế cho sản phẩm trang trí và quà tặng đáp ứng tối đa các yêu cầu sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương; nâng cao hiệu suất sử dụng (tỷ lệ thu hồi) nguyên vật liệu; tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có để tạo nên sản phẩm mới hoặc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; sử dụng nguyên vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị; khuyến khích các sản phẩm có khả năng sản xuất và đi vào cuộc sống, không chỉ là các tác phẩm đơn chiếc”.
Theo NTK Vũ Thảo, thành viên Ban cố vấn cuộc thi: “Hạn chế ở đây, có thể là nguồn dữ liệu nghèo nàn, lộn xộn; kinh phí sản xuất cực kỳ eo hẹp, thời gian vô cùng gấp gáp. Những giải pháp thiết kế lạc quan, tiết kiệm; những ý tưởng xây dựng hình ảnh thương hiệu với chi phí thấp, dùng ít nhân công và thời gian có thể để có một kết quả tốt”.
Thiết kế nhà vệ sinh công cộng
Hiện tại, quận Hoàn Kiếm đang thực hiện duy tu, duy trì hơn 30 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Ở khu vực hồ Gươm có 6 nhà vệ sinh công cộng đang hoạt động, gồm: Phố Lê Lai (đối diện Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội); bên hồ Hoàn Kiếm (cạnh cây Lộc Vừng 9 gốc, đối diện Tổng công ty điện lực Hà Nội); đường đôi Đinh Tiên Hoàng; số 8 Lê Thái Tổ; số 29 Hàng Khay.
Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu các đơn vị chức năng của quận rà soát kiểm tra thay thế các thiết bị hỏng hóc; chỉnh trang khu vực bên ngoài của các phòng vệ sinh; duy tu, duy trì bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thuận tiện cho du khách.
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đã triển khai cải tạo, xây dựng lại một số nhà vệ sinh công cộng như xây mới nhà ở ngõ Hàng Khay, cải tạo, ốp mặt ngoài 3 nhà vệ sinh quanh hồ Hoàn Kiếm để tăng tính thẩm mỹ. Ngoài ra, một số nhà vệ sinh được xã hội hóa tại các địa điểm số 5, số 38 Hàng Giầy, 56 Gia Ngư.
Với chương trình cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng của khu vực, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, dự án HaNoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet và Viglacera đưa ra nhánh đề bài "Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm" trong lĩnh vực Thiết kế công cộng của cuộc thi Designed by VietNam lần thứ tư (2023), nhằm tìm kiếm giải pháp thiết kế mới cho những nhà vệ sinh công cộng sát hồ, góp phần nâng cao hình ảnh Thủ đô văn minh - Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế mà UNESCO công nhận.
Ba vị trí được đề xuất: Gần bãi đỗ xe bờ hồ; đối diện ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ; đối diện Công ty Điện lực Hà Nội. Đề bài mở nên không quy định về quy mô, diện tích, hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình. Thí sinh tự do đề xuất các giải pháp đáp ứng những yêu cầu thiết kế hài hòa cảnh quan khu vực; sáng tạo độc đáo và khả thi.
Hội đồng chuyên môn của cuộc thi sẽ chọn khoảng 30 mẫu thiết kế để hoàn thiện cho vòng chung kết diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23/9 đến ngày 29/9/2023, quy tụ những nhà thiết kế tài năng, các nhà sản xuất, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, và các doanh nhân sáng tạo thuộc các lĩnh vực liên quan.
Cuộc thi dành cho tất cả mọi người, từ những người nghiệp dư, đến các chuyên gia thiết kế, sinh viên, thợ thủ công, nghệ nhân… với các tiêu chí đánh giá chính: Thể hiện chủ đề và đúng đề bài; Yếu tố “by VietNam”; Thẩm mỹ; Khả năng ứng dụng. Các thiết kế lọt vào TOP25 và hoàn thiện tốt sẽ được triển lãm tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023.
Cuộc thi sẽ trao 1 Giải Nhất: 50 triệu đồng cùng Bằng chứng nhận; 1 Giải Nhì 30 triệu đồng cùng Bằng chứng nhận; 1 Giải Ba: 20 triệu đồng cùng Bằng chứng nhận; 2-3 Giải Khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng cùng Bằng chứng nhận.
Cuộc thi Designed by VietNam 2023 dành cho tất cả mọi đối tượng trong nước và quốc tế bắt đầu nhận hồ sơ dự thi từ ngày 20/4 đến hết 31/5/2023 qua email: designedbyvietnam@gmail.com.
Lễ trao giải và triển lãm các tác phẩm vào vòng chung kết được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 23/9 đến 29/9/2023 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.