“Nhặt” nợ xấu vào một chỗ
Một lãnh đạo NHNN ví von, tăng trưởng tín dụng hiện nay giống cảnh tắc đường do hai ô tô húc nhau, muốn thông đường, phải dùng trực thăng để nhấc hai ô tô đó ra. Để tăng tín dụng, phải nhặt riêng nợ xấu vào một chỗ. Có thể, cơ chế mua lại nợ xấu của công ty này sẽ thoáng hơn cơ chế hoạt động của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (Bộ Tài chính); Đối tượng được mua nợ cũng rộng hơn và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, quy mô của công ty này phụ thuộc mức độ đánh giá nợ xấu và đánh giá giá trị toàn bộ tài sản thế chấp hiện nay. Ở một số nước, người ta áp dụng các biện pháp mạnh, Chính phủ đứng ra mua lại nợ xấu, chỉ trong vòng mấy tháng là có thể xử lý xong nợ xấu, tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng. Còn ở Việt Nam, chúng ta không có đủ nguồn lực nên sẽ có cách làm riêng, trong đó mua bán nợ xấu chỉ là một trong những giải pháp.
Trong điều kiện năm nay, tín dụng tăng trưởng khoảng 10%, tốc độ tăng trưởng tín dụng mỗi tháng 1,5 - 1,7%/tháng là hợp lý. Nếu tăng trưởng tín dụng bình quân trên 2%/tháng trong 6 tháng thì sức ép lạm phát sẽ rất lớn. Những tháng cuối năm, khi nhu cầu vốn của DN tăng, không nên “ép" tín dụng tăng nhiều quá, gây sức ép lạm phát cho năm sau.
Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
|
Dù không có tính quyết định, song việc thành lập công ty mua, bán nợ xấu ngân hàng trực thuộc NHNN cũng sẽ góp phần giúp tăng trưởng tín dụng. Giải quyết nợ xấu sẽ làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng và doanh nghiệp (DN), khiến DN có điều kiện tiếp cận vốn, ngân hàng cũng có điều kiện cho vay ra.
Hiện, Việt Nam chỉ có một công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính. Vì thế, khi công ty mua bán nợ của NHNN ra đời sẽ tăng thêm chủ thể tham gia; giúp DN và ngân hàng xử lý nợ theo thị trường.
Thời gian tới, chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngân hàng có hoạt động mua bán, sáp nhập nên việc cho ra đời công ty này theo các chuyên gia là đúng lúc và cần thiết để giải quyết các khoản nợ giữa ngân hàng và DN.
Hạn chế về nguyên tắc thị trường
Việc "nhấc" nợ xấu ra khỏi “đường ray” sẽ giúp con tàu tín dụng bớt đi một rào cản. Tuy nhiên, để công ty mua bán nợ ngân hàng ra đời và hoạt động hiệu quả vẫn còn rất nhiều điều phải bàn. Theo T.S Nguyễn Minh Phong, ở các nước, để một công ty mua bán nợ hoạt động một cách chuyên nghiệp và đúng với cơ chế thị trường thì phải bằng vốn tư nhân. Công ty này sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường để tiến hành các hoạt động mua bán nợ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, công ty này sẽ thuộc NHNN, có thể hoạt động phi lợi nhuận và sẽ mua bán các khoản nợ do Nhà nước chỉ đạo, đặc biệt là khoản nợ của các ngân hàng mà sắp tới có thể thực hiện tái cấu trúc. Như vậy, sẽ hạn chế hơn về nguyên tắc thị trường cũng như đối tượng phục vụ. Một vấn đề quan trọng nữa cũng được giới chuyên gia khuyến cáo là rất có thể sẽ có sự lạm dụng nếu quy chế hoạt động của công ty không rõ ràng.
Để đánh giá hiệu quả của mô hình này thì vẫn phải chờ một thời gian sau khi công ty ra đời và hoạt động. Trước mắt, để tránh lạm dụng có ba nguyên tắc. Thứ nhất là phải có tiêu chí rõ ràng về đối tượng được hưởng chính sách. Hai là, phải có sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, tránh hiện tượng người vận dụng vận dụng không đúng. Ba là, cần công bố thông tin một cách minh bạch, rộng rãi.