Tín dụng đen bòn rút tâm sức người lao động, cách nào thoát khỏi khủng bố?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thu nhập không đủ chi tiêu nên có không ít người lao động phải vay tín dụng đen, lãi suất “cắt cổ” dẫn đến thường xuyên bị đe dọa, khủng bố. Vì thế, chuyên gia khuyên người lao động hạn chế vay tiền qua ap tín dụng đen, mà tiếp cận từ ngân hàng, quỹ Công đoàn.

Hiểm họa từ tín dụng đen

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống công nhân lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện cho kết quả: Thu nhập trung bình của 2.982 người lao động tham gia khảo sát đạt 7.885.000 đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ; 23,3% khác đến từ tiền lương làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN.

Vấn nạn vay tiền qua app tín dụng đen đang âm thầm bòn rút tâm sức của không ít người lao động. Ảnh minh họa: Internet.
Vấn nạn vay tiền qua app tín dụng đen đang âm thầm bòn rút tâm sức của không ít người lao động. Ảnh minh họa: Internet.

Trong khi đó, tổng chi tiêu 1 tháng của người lao động là 11.723.000 đồng; trong đó chi cho ăn uống 3.697.000 đồng, thuê nhà (nếu có) 1.536.000 đồng, thuốc men 541.000 đồng, chi cho con cái học tập, gửi trẻ 2.752.000 đồng, vui chơi giải trí 682.000 đồng, chi phí đi lại và mua sắm đồ dùng 1.575.000 đồng; hỗ trợ người thân 939.000 đồng.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chủ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.

Đáng chú ý, do khó khăn trong đời sống, thu nhập không đủ chi tiêu nên có 17,3% người lao động thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.

Nạn tín dụng đen là một trong những vấn đề đang rất nóng trong xã hội, nhất là với công nhân lao động. Vấn nạn này đang âm thầm bòn rút tâm sức của không ít người lao động. Trao đổi về nạn tín dụng đen, Thượng tá Đào Trung Hiếu – Tiến sĩ Tội phạm học, Cục Truyền thông, Bộ Công an cho biết: Từ lúc công nghệ phát triển, hình thức cho vay tiền qua app rất phổ biến. Hiện nay tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Người lao động không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì lý do không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, khi xảy ra những vấn đề đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý và thế là tìm đến những nguồn không chính thức.

Hạn chế vay tiền từ nguồn không chính thức trên mạng

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất cho vay là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20% khoản vay đó. Nếu trường hợp lãi suất cho vay vượt quá 5 lần mức 20% này là cấu thành tội cho vay nặng lãi.

Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, tín dụng đen là hình thức cho vay không chính thức với lãi suất rất cao ở mức “cắt cổ”, không cần tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân vô cùng nhanh, khoảng 10 – 20 phút sau khi thỏa thuận, lãi suất ngắn hạn tính theo ngày. Các đối tượng sẽ cắt phí ngay khi giải ngân; ví dụ, người vay 100 triệu đồng chỉ nhận được 70 triệu đồng, còn 30 triệu đồng sẽ bị bên vay cắt lãi trước.

Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyên người lao động hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng. Ảnh minh họa.
Thượng tá Đào Trung Hiếu khuyên người lao động hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng. Ảnh minh họa.

Do người cho vay không có tài sản thế chấp nên các đối tượng sẽ yêu cầu chụp Căn cước công dân, cho phép truy cập danh bạ, mạng xã hội… Khi đến hạn nếu người vay không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng gốc, tính lãi mới…, bị rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt mỏi.

Không chỉ vậy, khi đến thời hạn thu nợ, các đối tượng sẽ sử dụng những biện pháp không được pháp luật cho phép để đòi nợ như: Gọi điện, khủng bố mạng, làm phiền các mối quan hệ trong danh bạ của người vay tiền,… Đối tượng cho vay còn truy cập tài khoản mạng xã hội, ghán ghép hình ảnh gợi cảm của người vay tiền để đưa lên trang mạng, tấn công về mặt danh dự nhân phẩm. Ngoài ra bọn chúng còn sử dụng các nhóm đời nợ thuê đi siết nợ.

Để có tiền, nhiều người đã phải đi vay tiền ở app này để trả nợ cho app khác, vướng sâu vào nợ nần không lối thoát. Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, khi người đã đi vay tiền thì phải có kế hoạch trả nợ đúng hạn; tuyệt đối không vay từ app này trả cho app khác. Nếu người vay bị đe dọa thì phải ghi lại bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng. Trường hợp người vay tiền bị quấy rối, làm nhục trên mạng thì nhắn tin yêu cầu đối tượng gỡ bỏ trên mạng, lưu lại bằng chứng và gửi đến cơ quan công an.

“Nguồn tín dụng tin cậy nhất là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước. Hiện nay, tổ chức Công đoàn có những khoản vay ưu đãi dành cho người lao động để phát triển kinh tế gia đình, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; mua sắm phương tiện sinh hoạt, sửa chữa nhà; học nghề… với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh gọn. Để vay vốn từ quỹ Công đoàn, đoàn viên, người lao động đăng ký qua Công đoàn cơ sở để được bảo lãnh và hướng dẫn về thủ tục. Người lao động hạn chế tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng” – Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay.