Tín dụng tăng, nhưng lợi nhuận vẫn “bốc hơi”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến 9/8, nhiều ngân hàng (NH) đã công bố báo cáo tài chính quý II, báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy tăng trưởng tín dụng cao nhưng lợi nhuận vẫn thấp.

Nhều ngân hàng đau đầu với bài toán lợi nhuận

NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là NH đầu tiên công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016, theo đó quy mô tín dụng và đầu tư của BIDV đạt trên 836.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 657.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm. Tại VietinBank, tín dụng 6 tháng đã tăng trên 6% so với cuối năm ngoái. Báo cáo của Vietcombank cũng cho thấy: 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 7,5%, nguồn vốn tăng hơn 5%. Lãnh đạo TPBank cho hay, tín dụng tăng trưởng của NH đạt 18% kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietinBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Dù tăng trưởng tín dụng cao, vốn huy động tăng, tổng tài sản tăng, nhưng lợi nhuận tại một số NH không cao như kỳ vọng. Thậm chí, có NH đang đau đầu với bài toán lợi nhuận còn bị lỗ do chi phí hoạt động cao. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa được công bố, thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt 743 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước song lãi ròng quý II/2016 của NH này chỉ còn gần 36,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank còn 79 tỷ đồng và lãi ròng 60 tỷ đồng, giảm 86% so với mức 422 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2015. Hay như Sacombank, tính chung trong cả 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Sacombank chỉ đạt 363 tỷ đồng, giảm tới 76%. Với VIB bank mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 651 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn 302 tỷ đồng. Các NH lớn cũng bị đội chi phí khiến cho lợi nhuận trước thuế 6 tháng chỉ đạt 4.272 tỷ đồng (Vietinbank). Và Vietcombank dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 7.276 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.271 tỷ đồng.

Chi phí, trích lập dự phòng cao
Nợ xấu, lợi nhuận giảm… là nguyên nhân khiến các NH không hạ được lãi suất. Theo đánh giá của một số chuyên gia, mặt bằng lợi nhuận ngành NH sẽ khó có đột biến, bởi trong khoảng 3 năm tới, NH vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu.

Theo chuyên gia NH Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ tín dụng tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận NH vẫn không cải thiện là vì biên độ lợi nhuận hiện rất thấp. Biên độ lợi nhuận là tổng thu nhập từ cho vay trừ đi chi phí vốn (tức là lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động, không tính thêm chi phí nào khác). Theo ông Hiếu, “mức chênh lệch này phải đạt tối thiểu là 3% thì NH mới có lãi”. “Chi phí hoạt động của NH đang tăng lên do lãi suất huy động tăng, trong khi đó, lãi suất cho vay đang bị NHNN kiểm soát, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn” - ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh chi phí hoạt động, chi phí trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu ngày càng tăng (nợ xấu mới và nợ xấu cũ) cũng khiến lợi nhuận các NH sụt mạnh. Tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2%, Sacombank từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%. Vietinbank cũng là NH có nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 2.795 tỷ đồng, có tỷ lệ nợ xấu là 0,9%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 0,85% hồi đầu năm. Eximbank là NH có tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến cao nhất. Nợ xấu của Eximbank từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016… Tập hợp báo cáo tài chính các NHTM, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, quy mô trích lập dự phòng rủi ro của toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2016 ước đạt khoảng trên 90,2 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ những năm trước, quy mô chỉ có từ khoảng 70 – 77.000 tỷ đồng). Đại diện VDSC cho biết, những tháng đầu năm 2016, chỉ tính riêng các NH niêm yết trên sàn chứng khoán thì tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro đã chiếm khoảng 40% lợi nhuận của NH.