Thị trường giảm cắt lỗ
Hai năm qua, giá đất nền ở những khu vực từng xảy ra hiện tượng “sốt đất” tại Quảng Nam đều phải điều chỉnh giảm. Phần lớn các giao dịch đều chậm hoặc có mức giá phải tương xứng với vị trí sản phẩm và hạ tầng khu vực. Minh chứng rõ nét nhất chính là nhóm các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Họ phải cắt lỗ tới 20-30% giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, theo ghi nhận, hiện tượng cắt lỗ bắt đầu giảm, lượng thông tin rao bán cắt lỗ đất nền cũng ít đi. Nhiều chủ đất có dấu hiệu cầm cự để chờ đợi hoặc điều chỉnh tăng giá bán sau khi đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường.
Đầu tháng 9/2023, anh Hoàng Trung (TP Đà Nẵng) rao bán lô đất nền khu vực huyện Thăng Bình nhưng giờ đã thay đổi quyết định. Anh cho biết lô đất sở hữu có vị trí giáp với quốc lộ, hạ tầng hoàn thiện và đã có sổ hồng. Thời gian qua khu vực này cũng đang bắt đầu mở rộng đường giao thông và nhiều người đến sinh sống hơn.
“Tôi rao với mức giá hơn 1 tỷ đồng nhưng nếu có người trả khoảng 1 tỷ thì sẽ bán nhằm thu tiền về đầu tư lĩnh vực khác. Do đó bản thân không có ý định bán cắt lỗ bằng mọi giá dù lúc trước mua để đầu tư. Giờ tôi quyết định không bán nữa, tiếp tục theo dõi thị trường như thế nào rồi mới tính” – anh Trung chia sẻ.
Anh Minh Ánh (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng ngừng rao bán lô đất ở vùng ven TP Hội An sau thời gian bị khách hàng ép giảm giá hơn 20%. Đây là lô đất anh đầu tư chung cùng gia đình. “Lúc đầu tôi rao bán giá rẻ hơn khi mua khoảng 200 triệu đồng. Nhưng giờ lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt và bán cũng không biết mua lại ở đâu. Chưa kể, một số người bạn của tôi cũng đánh giá thị trường sẽ sớm quay trở lại” – anh Ánh kỳ vọng.
Qua tìm hiểu, thị trường đang có những dấu hiệu “bẻ kèo”, điều chỉnh giá bán tăng lên đang phổ biến hơn. Nguyên nhân một phần do lãi suất ngân hàng có chiều hướng giảm mạnh và một số chính sách luật mới về đất đai được thông qua. Các sản phẩm không cắt lỗ, điều chỉnh giá bán là đất nền đã có sổ, nằm khu vực dân cư hiện hữu và diện tích từ 100-120 m2.
Chưa kể, thị trường BĐS tại Quảng Nam được dự báo trong vòng 1 đến 2 năm tới sẽ khan hiếm nguồn cung. Minh chứng là các dự án đất nền trọng điểm ra mắt trước đó phần lớn đều vướng phải hành lang pháp lý hoặc kiện tụng với khách hàng; dự án mới lại chưa đủ điều kiện để bán hàng, phải tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục. Điều này dẫn đến sự lệch pha cung cầu của thị trường BĐS trong thời gian đến.
Kỳ vọng tín hiệu khởi sắc
Thị trường đất nền tại Quảng Nam đang có sự chuyển dịch về nguồn cung lẫn cầu, từ khu vực trung tâm thành phố, thị xã lan rộng ra ven cụm công nghiệp và khu dân cư mới. Các sản phẩm thứ cấp đã có sổ, giao thông thuận lợi, đặc biệt mức giá dao động từ 1 đến 1.5 tỷ đồng đang nhận được sự quan tâm của khách hàng, thay vì phân khúc giá cao theo thị hiếu đám đông như trước đây.
Anh Nguyễn Thy, một môi giới giàu kinh nghiệm tại thị trường Quảng Nam cho biết, thị trường phục hồi sẽ theo từng phân khúc và khu vực khác nhau, bởi khả năng hấp thụ theo nhu cầu của khách hàng. Các khu vực gần chợ, khu công nghiệp và giao thông thuận lợi sẽ có triển vọng phục hồi sớm do được quy hoạch bài bản và có sự phát triển.
Hiện đất nền ở nhiều khu vực với mức giá từ 8-10 triệu đồng/m2 đang thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với nhà đầu tư. Người có nguồn tiền nhàn rỗi và có chiến lược đầu tư dài hạn sẽ hướng đến.
Hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực BĐS công nghiệp, anh Tấn Phát cho rằng, giao dịch khoảng hai tháng vừa qua có sự chuyển biến tích cực, tăng khoảng 10-15%. Sản phẩm giao dịch chủ lực là đất trong khu dân cư, đất dự án thì sản phẩm phải có mức giá phù hợp, vị trí đẹp mới được khách hàng quan tâm.
“Nhìn chung thị trường chỉ mới vượt khó được một phần, đồng nghĩa vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để có thể đi đến sự hồi phục hoàn toàn. Bản chất thị trường cũng chỉ ghi nhận giao dịch với mức giá trung bình từ 800 – 1.2 tỷ đồng” – anh Phát nhìn nhận.
Ông Huỳnh Tấn Thắng - Giám đốc Tatiland đánh giá Quảng Nam đang có những chuyển biến tích cực về thị trường nhờ quy hoạch phát triển hạ tầng. Thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 sau khi được phê duyệt và chương trình chuyển đổi số, chính quyền số. Địa phương phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu; phục hồi và phát triển dịch vụ - du lịch. Điển hình cảng hàng không Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế giai đoạn 2021 - 2030. Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
“Đất nền các khu vực có vị trí thuận lợi về giao thông, gần biển, cụm công nghiệp và pháp lý hoàn thiện đang có giao dịch khởi sắc. Khách hàng các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ngãi tập trung chính là mua để đầu tư, tích lũy tài sản; người địa phương phần lớn mua để ở. Nhìn chung thị trường có giao dịch và đang theo đà tăng đều, một phần do nguồn cung đến từ các quỹ đất sạch, vị trí đẹp không còn nhiều. Dựa trên nhiều yếu tố của thị trường thì là giai đoạn đầu tư đất nền lý tưởng” – ông Thắng nhận định.