Tín hiệu lạc quan được thể hiện rõ qua số liệu của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế số một thế giới đã tăng trưởng 1,2% trong quý I/2017. Nền kinh tế nước này cùng tạo được 211.000 việc làm trong tháng 4, và từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra bình quân 185.000 việc làm mới.
Nhận định “sức khỏe” nền kinh tế đã ổn định, hồi giữa tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nâng biên độ lãi suất lên 1 - 1,25%. Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định tăng lãi suất mới nhất này đã giúp FED tiến thêm một bước trong lộ trình chấm dứt chính sách kích cầu kinh tế. “Sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu cũng tiến triển theo hướng tích cực hơn khi các đợt tăng lãi suất của FED từ cuối năm ngoái đến nay không gây ra bất kỳ cú sốc nào.
Ngoài Mỹ, nền kinh tế của các thành viên EU cũng ghi nhận đà phục hồi tích cực trong nửa đầu năm nay, dù phải đương đầu với nhiều “cơn gió ngược” đến từ cả trong và ngoài khối đe dọa sự phát triển bền vững và hội nhập của liên minh này. Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Trong quý I/2017, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,5%.
Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng lạc quan này cũng tạo cơ sở chắc chắn cho dự báo tích cực rằng kinh tế Eurozone đang tăng trưởng với nhịp độ nhanh nhất kể từ khi ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ 6 năm trước.
Trong báo cáo của LHQ, đáng chú ý là các nền kinh tế phát triển và những nền kinh tế đang trên đà dịch chuyển đều tăng trưởng vững chắc hơn. Đông Á và Nam Á tiếp tục duy trì vị thế là 2 khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản trong tháng 4 cộng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất trong 2 năm qua. Theo số liệu mới nhất, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,3% trong quý I/2017, đánh dấu quý tăng trưởng thứ năm liên tiếp của nước này và giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong hơn 10 năm qua.
Về triển vọng kinh tế toàn cầu, theo báo cáo của LHQ, nhịp độ tăng trưởng của thế giới được dự đoán đạt 2,7% trong năm 2017. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng chỉ số này đánh dấu một sự bứt tốc đáng kể so với mức tăng chỉ 2,3% trong năm 2016. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, việc chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và sự bất ổn địa chính trị là những rủi ro đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu trong những tháng tới.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cho biết, sau 6 năm tăng trưởng chậm chạp, trong nửa đầu năm nay, kinh tế thế giới cũng lấy lại đà tăng trưởng, nhưng cảnh báo về những nguy cơ có thể nảy sinh từ tình hình chính trị thiếu chắc chắn tại châu Âu. Hiện, làn sóng bảo hộ dấy lên ở một số nước, chính sách kinh tế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiến trình nước Anh rời EU (Brexit)... đang là những vấn đề quan ngại về kinh tế toàn cầu.