70 năm giải phóng Thủ đô

Tín hiệu vui về đàm phán trần nợ công Mỹ trước thời hạn nguy hiểm

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy cho biết các cuộc đàm phán đã có tiến triển, dự đoán hai bên sẽ đạt được thỏa thuận mặc dù còn “một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: AP

Ngày 24/5, các đại diện của Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tiếp tục cuộc đàm phán về trần nợ công, nói rằng đàm phán “đạt được một số tiến bộ”, theo hãng tin Reuters.

Sau cuộc họp kéo dài 4 giờ tại Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện cho biết các cuộc đàm phán đã có tiến triển, dự đoán hai bên sẽ đạt được thỏa thuận mặc dù còn “một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết”.

“Chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ trong buổi thảo luận. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận phù hợp. Có thể thấy rằng chúng tôi đang nỗ lực hướng tới điều đó dù vẫn còn một số vấn đề tồn tại mà chúng tôi đang giải quyết,” ông McCarthy nói với phóng viên.

Ông McCarthy không tiết lộ chi tiết cụ thể về các điểm vướng mắc nhưng khẳng định ông sẽ không lay chuyển trước yêu cầu cắt giảm chi tiêu và các vấn đề an sinh xã hội.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng các cuộc đàm phán bước đầu có tiến triển. Bà nói: “Nếu các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra một cách thiện chí, chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận”.

Tuy nhiên, Nhà Trắng và các đảng viên Dân chủ tại quốc hội cũng chỉ trích  đảng Cộng hòa lấy kinh tế Mỹ làm “con tin” để thúc đẩy chương trình nghị sự của đảng này. Phía Dân chủ cảnh báo đảng Cộng hòa cần nhượng bộ nhiều hơn vì họ sẽ cần lá phiếu của đảng Dân chủ để thông qua bất kỳ thỏa thuận nào.

Thời gian cho hai bên không còn nhiều khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6, tức là còn khoảng 8 ngày, trong khi việc thông qua dự luật tại quốc hội cũng sẽ mất vài ngày.

Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

Theo CNBC, ngày 24/5, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ, trong bối cảnh chính phủ nước này vẫn đang bế tắc giải quyết vấn đề trần nợ công.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do rủi ro vỡ nợ. Ảnh: AFP
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do rủi ro vỡ nợ. Ảnh: AFP

Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực.

Fitch nêu rõ: "Mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công trước thời hạn chót sắp tới". Tuy nhiên, Fitch vẫn hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. 

Bế tắc kéo dài nhiều tháng đã khiến các nhà đầu tư lo sợ, đè nặng lên thị trường chứng khoán Mỹ trong những tuần gần đây và tác động tiêu cực đến thị trường toàn cầu.

Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm khoảng 8% chi tiêu ngân sách của năm tài chính 2024 trong khi đảng Dân chủ muốn duy trì như mức của năm 2023.

Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid, chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó, đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất, cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn. Phía Cộng hòa không chấp nhận biện pháp tăng thuế này.

Nếu Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công trước ngày 1/6, nước này sẽ mất toàn bộ số tiền mặt để chi trả cho mọi nghĩa vụ, từ trả lương quân đội, trả lương hưu cho tới trả lãi trái phiếu.

Hồi đầu tháng này, Hội đồng Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng đã đưa ra những cảnh báo về viễn cảnh kinh tế u ám nếu nước Mỹ vỡ nợ. Theo đó, 8 triệu việc làm sẽ biến mất chỉ trong mùa hè, đồng thời tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này cũng sẽ giảm 6% so với hiện tại.

Các cố vấn kinh tế của Tổng thống Joe Biden cũng cảnh báo thị trường chứng khoán sẽ giảm giá trị đến 45% trong quý III/2023.

Ngoài ra, hội đồng này nhấn mạnh chỉ cần chính phủ ngưng thanh toán trong khoảng thời gian rất ngắn, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tiến vào giai đoạn suy thoái.

Về phía chính phủ Mỹ, do bị hạn chế bởi trần nợ, không thể thực hiện các biện pháp kích thích tài chính, khiến cho tình trạng suy thoái trở nên trầm trọng hơn.

Trên thực tế, nước Mỹ đã từng phải đối mặt với tình cảnh tương tự trong quá khứ, khiến nhiều nhà phân tích kỳ vọng vào một thỏa hiệp được đưa ra vào phút cuối.