Muôn kiểu làm phiền
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC - Cục ATTT, Bộ TT&TT), thông qua Tổng đài tiếp nhận phản ánh tin rác 5656, trung bình mỗi tháng đơn vị này đã ghi nhận được hơn 2.000 lượt phản ánh về hơn 8.000 cuộc cùng số tin nhắn rác chặn được là xấp xỉ 100 triệu. Đây là con số đáng báo động về vấn nạn vốn đã “hành hạ” người dùng di động trong rất nhiều năm trở lại đây.
Tìm hiểu được biết, tin nhắn rác, cuộc gọi rác hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, mua bảo hiểm, đầu tư tài chính và đặc biệt là quảng cáo dịch vụ bài bạc trực tuyến. Cách thức “phiền nhiễu” người dùng di động cũng khá đa dạng, không chỉ dừng lại ở tin nhắn SMS thông thường, tổng đài tự động mà còn sử dụng cả tin nhắn iMessage, một dịch vụ nhắn tin miễn phí trên điện thoại và rất khó để chặn triệt để.
Anh Lê Khải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong thời gian gần đây, hầu như ngày nào, anh cũng nhận được ít nhất một tin nhắn hoặc cuộc gọi rác về việc mua bất động sản từ các dự án trên địa bàn TP Hà Nội cho đến trong miền Nam. Mặc dù đã nhiều lần từ chối nhưng chỉ khoảng 1 tuần sau những cá nhân, tổ chức này lại tiếp tục liên lạc để đặt lại vấn đề đầu tư.
"Nếu như gọi điện hoặc nhắn tin SMS thông thường thì còn có thể chặn được nhưng giờ còn nhiều chiêu trò làm phiền như qua tin nhắn iMessage, Zalo, Viber, Facebook Messenger… thì thú thật tôi cũng không có cách nào chặn hết được" - anh Lê Khải bức xúc.
Không chỉ dừng lại ở các lời mời gọi sử dụng dịch vụ, hiện tượng lừa đảo, dụ dỗ buôn bán đa cấp, vay nặng lãi cũng ngày càng tăng mạnh về tần suất. Chị Thu Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, việc mình nhận được các cuộc gọi, tin nhắn SMS cũng như tin nhắn qua mạng xã hội về đầu tư tài chính lời gấp 20 - 30 lần hay vay lãi giải ngân nhanh là điều thường xuyên xảy ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang ở tình trạng căng thẳng.
"Mặc dù với mỗi cuộc điện thoại hay tin nhắn rác, tôi đều phản ánh tới Tổng đài 5656 nhưng chỉ một thời gian ngắn sau những nội dung tương tự lại làm phiền tôi bằng các số điện thoại khác. Không biết đến bao giờ người dùng di động như tôi mới được bảo vệ triệt để trước những kiểu gây rối như thế này" - chị Thu Hà bức xúc.
Khác với anh Khải và chị Hà, anh Nguyễn Bình (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại bị “hành hạ” bởi chính các nhà mạng. "Tôi có 2 sim trả trước Viettel và MobiFone, hiện tại, mỗi ngày nhận được 3 - 4 tin nhắn quảng cáo về dịch vụ game, tải ứng dụng, nâng cấp gói 3G/4G từ các nhà mạng, mặc dù đã nhiều lần gay gắt phản ánh lên tổng đài về tình trạng này nhưng đến nay mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn như vậy" - anh Nguyễn Bình bức xúc phản ánh.
Trách nhiệm ở nhà mạng
Trên thực tế, trong những năm gần đây, cả cơ quan quản lý như Bộ TT&TT cũng như các nhà mạng đều đã có rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác. Trong đó, có nhiều “đòn” mạnh như: Thu hồi số điện thoại, phạt hành chính lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng mọi thứ vẫn đang ở mức giảm chứ chưa triệt để biến mất.
Nói về vấn đề này, chuyên gia Ngô Vi Đồng khẳng định, nhà mạng là bên có vai trò quyết định trong việc ngăn chặn hoàn toàn tình trạng tin nhắn và cuộc gọi rác. Không chỉ đến khi người dùng phản ánh, mà nhà mạng phải chủ động phát hiện, từ đó, có các chế tài dành cho các thuê bao phát tán nội dung rác như: Chặn cuộc gọi, tin nhắn trong một khoảng thời gian hoặc nặng hơn nữa là thu hồi số.
Hiện nay, chúng ta đã có nhiều quy định pháp lý về việc mua SIM điện thoại phải có giấy tờ xác minh thông tin, nếu quy trình này được kiểm soát chặt từ các nhà mạng thì khả năng xuất hiện SIM rác sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu. Và không còn SIM rác thì sẽ không còn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
"Ở khía cạnh khác, cuộc gọi và tin nhắn rác vẫn mang lại nguồn thu cho các nhà mạng, thậm chí những thuê bao dạng này cũng được tính vào tổng số lượng thuê bao cho nên việc ngăn chặn sẽ đánh vào chính doanh thu của họ. Hơn thế nữa, việc ngăn chặn tin nhắn rác và cuộc gọi rác cũng đòi hỏi nhà mạng phải bỏ ra chi phí lớn mà lợi ích thu về cho doanh nghiệp gần như không có" - ông Ngô Vi Đồng phân tích thêm.
Từ những lý do trên, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của phía cơ quan quản lý mà ở đây là Bộ TT&TT, thông qua các cuộc thanh kiểm tra với trực tiếp nhà mạng nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác phát sinh.
Nhìn nhận được sự cấp thiết, mới đây vào đầu tháng 4/2022, Bộ TT&TT đã có quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, MobiCast và Đông Dương Telecom.
Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ phối hợp với các nhà mạng phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Từ đấy, chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những sai sót, khuyết điểm của doanh nghiệp viễn thông từ đó đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, phát hiện và đề xuất với cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi những quy định về quản lý thuê bao di động không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nội dung được thanh tra bao gồm: Kiểm tra SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; Kiểm tra SIM có thông tin thuê bao đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại nhiều đại lý, địa bàn khác nhau; Kiểm tra đối với các SIM thuê bao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thuê bao sử dụng quảng cáo, phát tán tin nhắn rác.
Mặc dù quyết định thanh tra nói trên của Bộ TT&TT được xem là hành động phù hợp nhằm tiến dần từng bước tới mục tiêu chấm dứt tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác nhưng hiệu quả đến đâu thì vẫn cần thêm thời gian để trả lời. Được biết, vào cuối năm 2019, Bộ TT&TT đã có hoạt động thanh tra mang tính chất tương tự nhưng tới giờ “vấn nạn” này vẫn đang tiếp diễn.