70 năm giải phóng Thủ đô

Tin nhắn rác bắt đầu bùng phát trở lại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ trước đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động thường dùng hình thức nhắn tin vào máy khách hàng của mình để thông báo cước và nhắc nhở thời hạn nộp tiền.

KTĐT - Từ trước đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động thường dùng hình thức nhắn tin vào máy khách hàng của mình để thông báo cước và nhắc nhở thời hạn nộp tiền.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, tin nhắn rác bắt đầu bùng phát trở lại với tần suất dày đặc và cũng tinh vi hơn.

Đang phóng xe trên đường vào giờ cao điểm nhất, chị Minh, có số thuê bao di động 090343... thấy chuông reo báo tin nhắn mới. Chị vội tấp xe vào lề đường mở máy điện thoại vì đang chờ một thông tin quan trọng từ đối tác. Thế nhưng, nội dung tin nhắn không phải là những gì chị đang mong đợi mà lại là "Hãy để bạn bè người thân bất ngờ khi nghe tin nhắn của bạn. Gửi 9302+ số điện thoại để gửi tin nhắn bằng giọng nói (voice SMS…) do chính nhà cung cấp dịch vụ MobiFone gửi đến.

Chị Minh cho biết: "Gần đây, tôi thường xuyên phải nhận tin nhắn quảng cáo của MobiFone. Nào là 'Hơn 60 nghìn bản nhạc Funring đang đợi bạn… Hãy truy cập vào website… để làm mới nhạc cho bạn… Chúng thực sự gây phiền nhiễu khiến tôi rất khó chịu".

Anh Ninh – một khách hàng thường xuyên phải nhận những tin nhắn dạng spam câu kéo anh tham gia dịch vụ tải nhạc, hình ảnh… không nén nổi sự khó chịu: “Tôi chán phải nhận những tin nhắn quảng cáo khi mời bốc thăm trúng thưởng, khi bán sim số đẹp, tặng quà, khuyến mãi… lắm rồi. Chúng thực sự làm tôi bị stress”.

Theo phản ánh của anh Ninh, những tin nhắn dạng spam thường xuất hiện vào thời gian hiểm, nghĩa là khi anh đang trên đường, nghỉ trưa, thậm chí là nửa đêm gà gáy. Có bận tin nhắn trở thành chuông đồng hồ báo thức, gọi anh từ 6h sáng để mở đầu một ngày mới. “Đó là một kiểu quảng cáo bất lịch sự và thiếu tôn trọng khách hàng, bất kể nó được gửi tới từ nhà mạng, nhà cung cấp nội dung hay số máy cá nhân…”, anh Ninh nhận xét.

Từ trước đến nay, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động thường dùng hình thức nhắn tin vào máy khách hàng của mình để thông báo cước và nhắc nhở thời hạn nộp tiền. Đồng thời thông báo các dịch vụ mới và những chính sách khuyến mãi, tăng giá trị tài khoản cho người sử dụng… Gần đây, khi khách hàng phàn nàn nhiều về chuyện tin nhắn rác, nhà mạng hạn chế dần, đồng thời tế nhị thêm chữ “tin nhắn QC” trước mỗi bản tin để giảm sự bực bội cho người nhận. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ nội dung thì những tin nhắn rác với đủ thể loại nội dung từ tặng quà ảo, khuyến mãi lừa, tư vấn chuyện phòng the… lại bùng phát và ngày càng tinh vi.

Những tin nhắn này được gửi đi từ các số điện thoại di động trả trước đang vô hiệu hóa cả cơ quan quản lý lẫn nhà mạng. Một đại diện MobiFone cho hay nếu doanh nghiệp cung cấp nội dung sử dụng số điện thoại của thuê bao trả trước để nhắn tin sẽ rất khó xử lý. “Khi chúng tôi truy những đầu số qua phản ánh của khách hàng thì họ nói là họ bị ai đó chơi xấu chứ không hề gửi thư rác đến khách hàng. Do vậy, với những trường hợp này, chúng tôi chỉ nhắc nhở chứ không thể xử lý mạnh tay”, vị đại diện này nói.

Hiện nay, Viettel được coi là doanh nghiệp rắn nhất trong số các nhà mạng khi thẳng tay cắt hợp đồng của vài đối tác khi nhận được khiếu nại của khách hàng và báo chí phản ánh. Viettel cho biết bất kể doanh nghiệp nào chỉ cần bị 10 khách hàng phản ánh về việc trong tin nhắn rác có đầu số mà đơn vị này đang khai thác, hãng sẽ lập biên bản cảnh cáo lần thứ nhất. Nếu sau đó Viettel tiếp tục nhận được tin nhắn của khách hàng thì sẽ tiến hành tạm cắt đầu số để điều tra và có thể sẽ tiến hành xử phạt.

Cũng như Viettel, VinaPhone đã tiến hành xử lý nhắc nhở và xử phạt nhiều doanh nghiệp cung cấp nội dung vì phát hiện nhắn tin rác tới khách hàng trong thời gian vừa qua. Nhưng VinaPhone cũng thừa nhận để giải quyết triệt để rất khó khăn.

Mới đây, VinaPhone đã có công văn gửi tới tất cả các đối tác cung cấp nội dung trên mạng của mình yêu cầu thực hiện đúng quy định chống tin nhắn rác. Trong đó quy định, các thuê bao di động không được gửi quá 3 tin có cùng nội dung với một số điện thoại trong vòng 5 phút; không được gửi quá 5 tin nhắn có cùng nội dung với một số điện thoại trong thời gian 10 phút; không được gửi quá 30 tin nhắn có cùng nội dung với một số điện thoại trong thời gian 1 giờ; không được gửi quá 300 tin nhắn trong vòng 24 giờ. VinaPhone cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nội dung phải thường xuyên theo dõi sản lượng bản tin phát sinh và kịp thời thông báo cho VinaPhone để có biện pháp xử lý thích hợp…