Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tin tức kinh tế 14/4: xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines tiếp tục giữ “ngôi vương”

Kinhtedothi – Giá vàng tăng mạnh, lên ngưỡng 107,5 triệu đồng/lượng; xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines tiếp tục giữ “ngôi vương”; lãi suất tiền gửi tiết kiệm bám sàn… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 14/4.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines tiếp tục giữ “ngôi vương”

Do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên, Philippines sẽ là quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới năm 2025, trong đó riêng gạo Việt Nam chiếm tới 80%, dự báo đạt khoảng 4,350 triệu tấn.

Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội rất lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam, song các động thái chính sách mà Philippines thực hiện nhằm mục tiêu giảm giá bán lẻ gạo trên thị trường có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Dự báo năm 2025, nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của Philippines khoảng 17,8 triệu tấn. Song với nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ và đầu tư nhiều hơn cho nông dân, sản xuất lúa nội địa của Philippines đặt mục tiêu đạt 20,46 triệu tấn trong năm 2025. Nhưng dù đạt được mục tiêu đề ra thì mức tăng khiêm tốn này không thể giúp Philippines thoát khỏi tình trạng thiếu hụt và phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.

Giá vàng tăng mạnh, lên ngưỡng 107,5 triệu đồng/lượng

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống còn 3.232,45 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức cao kỷ lục 3.245,42 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 105-107,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 102- 105 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên sáng nay.

Xuất khẩu thủy sản phục hồi ấn tượng

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi ấn tượng trong quý I/2025 với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì dù có dấu hiệu chững lại so với 2 tháng đầu năm.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp siết chặt nhập khẩu sau đại dịch và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội để thủy sản Việt Nam lấy lại thị phần. Đặc biệt, khi Mỹ gia hạn thuế đối ứng thời gian 90 ngày và các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ hay Ecuador vẫn đang đối mặt với khó khăn về môi trường và chi phí logistics...nên doanh nghiệp Việt Nam có thêm lợi thế.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm bám sàn

Theo thống kê của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong 5 tuần trở lại đây (từ ngày 10/3 - 11/4), hệ thống các ngân hàng thương mại ghi nhận có 17/36 ngân hàng giảm lãi suất ở các kỳ hạn và chỉ 1 ngân hàng tăng nhẹ lãi suất ở 1 kỳ hạn.

Trong đó, VikkiBank là ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm mạnh nhất ở kỳ hạn 1 tháng với 0,5%/năm xuống còn 3,9%/năm, lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn 3, 6, 9, 12 tháng có mức giảm từ 0,25-0,3%/năm đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện chỉ còn 5,65%/năm. Thậm chí, với khách hàng có số tiền gửi dưới 999 tỉ đồng, và gửi từ 18-36 tháng cũng chỉ có 5,9%/năm..

Tương tự, Eximbank giảm 0,3%/năm đối với các kỳ hạn 6, 12 tháng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy xuống mức 4,9%/năm và 5,1%/năm. Các kỳ hạn 9, 24 tháng giảm 0,2%/năm xuống mức 5%/năm và 5,6%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 5,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, gửi online, vào thứ 7 và Chủ nhật. Eximbank cũng là ngân hàng duy nhất tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 3 tháng lên mức 3,6%/năm.

VNBA ghi nhận ở 15 ngân hàng giảm lãi suất với biên độ giảm nhẹ từ 0,05 - 0,2%/năm, gửi tại quầy và online, tại các kỳ hạn từ 1-60 tháng.

UOB tăng vốn điều lệ tại Việt Nam thêm 2.000 tỷ đồng

Tập đoàn UOB mới đây đã công bố tăng vốn điều lệ của ngân hàng con tại Việt Nam lên mức 10.000 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng TNHH Một thành viên United Overseas Bank Việt Nam (Ngân hàng UOB Việt Nam) hiện đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét phê duyệt.

Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn UOB đã 3 lần điều chỉnh vốn điều lệ cho ngân hàng con tại Việt Nam, giúp tăng gấp đôi vốn điều lệ của Ngân hàng UOB Việt Nam.

Điều này giúp UOB Việt Nam trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai trong khối ngân hàng có vốn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền đầu tư ồ ạt đổ về vàng

Dòng tiền đầu tư ồ ạt đổ về vàng

15 Apr, 12:29 PM

Kinhtedothi - Tăng tới trên 25% kể từ đầu năm, giá vàng đã hút tiền đầu tư toàn cầu trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về suy thoái kinh tế Mỹ và áp lực lạm phát dai dẳng.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ