Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế 16/11: giá cước container quốc tế có thể tăng vào năm 2025

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh; dệt may Việt đang trên đà bứt phá; giá cước container quốc tế có thể tăng vào năm 2025… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 16/11.

Giá cước container quốc tế có thể tăng vào năm 2025

Tại diễn đàn “Logistics trong bối cảnh toàn cầu” do Hiệp hội Logistics TP Hồ Chính Minh tổ chức vào ngày 15/11, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh Võ Thị Phương Lan cho biết, giá cước container thế giới cũng như tuyến TP Hồ Chí Minh đi Bờ Tây của Mỹ hay châu Âu trong năm qua đều biến động rất lớn. Dù khó có khả năng tăng mạnh trong năm 2025 nhưng giá cước container vẫn có thể tăng trong một số thời điểm nhất định, đặc biệt trong mùa cao điểm hoặc khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng tàu có thể giúp kiềm chế đà tăng giá cước. 

Bà Lan phân tích nhiều yếu tố có thể tác động đến thị trường thời gian tới. Cụ thể, công suất vận tải toàn cầu dự báo tăng 8% trong khi nhu cầu chỉ tăng 3%, giúp giảm áp lực biến động tăng giá. Trong khi đó, những yếu tố như xung đột Biển Đỏ, tắc nghẽn kênh đào Panama, đình công ở một số cảng biển… sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển.

Tin tức kinh tế 16/11: giá cước container quốc tế có thể tăng vào năm 2025. Ảnh minh họa.
Tin tức kinh tế 16/11: giá cước container quốc tế có thể tăng vào năm 2025. Ảnh minh họa.

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 16/11  giao ngay ở mức 2.563,2 USD/ounce, giảm 3,7 USD/ounce so với ngày hôm qua. 

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 16/11, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 80 – 83,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại SJC được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79,8 – 82,3 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với rạng sáng nay. 

Giá vàng nhẫn tại DOJI niêm yết ở mức 81 - 82,7 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với rạng sáng nay. 

Dệt may Việt đang trên đà bứt phá

Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng 8,9% trong 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Tín hiệu tích cực này cho thấy ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam đang trên đà bứt phá.

Những thị trường xuất khẩu chủ lực như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi như: ASEAN, Nga và Canada đang mở ra những cơ hội vàng cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.

Doanh nghiệp FDI đóng góp 67% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 240,1 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024, nhập khẩu đạt 198,7 tỷ USD. Khối này ghi nhận xuất siêu 41 tỷ USD.

Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 71% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 35 mặt hàng chính trong 10 tháng năm 2024, trong đó 21 mặt hàng có kim ngạch tỷ USD, bao gồm 6 mặt hàng có giá trị trên 10 tỷ USD (chủ yếu thuộc nhóm điện tử và may mặc).

Lũy kế 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 438 tỷ USD, chiếm 67% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Tiền gửi tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết tháng 8/2024, lượng tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế có sự cải thiện, hết tháng 8/2024 đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng (tháng 7 đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng). Nếu so với cuối năm 2023, tiền gửi các tổ chức kinh tế chỉ giảm nhẹ 0,05%. Có thể thấy, tiền gửi của tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng kể từ quý II/2024 trở lại đây (chỉ từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, các tổ chức kinh tế gửi thêm vào ngân hàng gần 70.000 tỷ đồng).

Tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 ở mức kỷ lục hơn 13,75 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.