70 năm giải phóng Thủ đô

Tin tức kinh tế ngày 1/10: xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng nhẫn bất ngờ giảm sau chuỗi ngày tăng sốc; xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục; IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dự báo đạt 6,1%… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 1/10.

Xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 20.000 tấn hồ tiêu, thu về 125 triệu USD, tăng 10,4% về lượng nhưng giá trị tăng vọt 84,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin tức kinh tế ngày 1/10: xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 1/10: xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục. Ảnh minh hoạ.

Lũy kế đến hết tháng 9, xuất khẩu hồ tiêu đạt 203.000 tấn, thu về hơn 1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng 46,9% về giá trị. Nguyên nhân là bởi, giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 4.941 USD/tấn.

Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, giá trung bình mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt 6.239 USD/tấn, tăng 67,5% so với tháng cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là tháng ghi nhận mức giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.

Giá vàng nhẫn bất ngờ giảm sau chuỗi ngày tăng sốc

Giá vàng thế giới trong ngày 1/10 giao dịch ở mức 2.634,65 USD/ounce, giảm 0,71% so với giá vàng ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 1/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 82 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 82 – 84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI niêm yết ở ngưỡng 82-82,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 750.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 550.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 81,4-82,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên giao dịch hôm qua.

IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, dự báo đạt 6,1%

Kết luận tham vấn Điều IV của Ban Giám đốc điều hành IMF nhận định trong năm 2023 đầy thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5% nhờ những chính sách quyết liệt của Chính phủ.

Quá trình phục hồi bắt đầu từ cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu và du lịch phục hồi, cũng như sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp. Lạm phát tăng trong năm 2024 chủ yếu do giá lương thực thực phẩm tăng, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn duy trì tương đối thấp và ổn định. Cán cân vãng lai đối ngoại đã thặng dư lớn trong năm 2023 ở mức 5,8% GDP, phần nhiều là do nhập khẩu sụt giảm đáng kể.

Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,1% trong năm 2024 được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước sẽ hồi phục dần do doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4% - 4,5% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay.

Chỉ số PMI tháng 9 giảm do ảnh hưởng của bão Yagi

Bão Yagi đã ảnh hưởng nặng nề lên ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 9 khiến Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm; đồng thời, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại, với sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm đáng kể.

Theo S&P Global, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,4 xuống 47,3 điểm trong tháng 9, điều này cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã yếu đi ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 11/2023. Kết quả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và tồn kho hàng hóa đầu vào đều giảm. Tuy nhiên, sự gián đoạn được cho chỉ là tạm thời và các công ty vẫn tự tin vào triển vọng sản xuất, từ đó tăng số lượng việc làm cho phù hợp. Trong khi đó, áp lực chi phí vẫn tương đối yếu và giá cả đầu ra đã chỉ tăng nhẹ.

Chất lượng tín dụng của các ngân hàng có xu hướng giảm

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, chất lượng tín dụng có xu hướng giảm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng, có đến 24/29 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu năm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, nguyên nhân khiến chất lượng tín dụng giảm là do tác động của suy thoái kinh tế và thiệt hại từ thiên tai. Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa có sự cải thiện rõ rệt và thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.