Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế ngày 18/8: dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất ASEAN

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vàng nhẫn tăng hơn nửa triệu đồng/lượng; dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á; giá vé máy bay tại châu Á có xu hướng giảm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 18/8.

Vàng nhẫn tăng hơn nửa triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới trong ngày 18/8 giao ngay ở 2.506,74 USD/ounce, đi ngang USD so với giá vàng ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 18/8, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78 – 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng SJC tại PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang được mua vào ở mức 77 - 78,39 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 650.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn bất ngờ tăng hơn nửa triệu đồng mỗi lượng, lên 78,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn trong 2 tháng qua.

Cụ thể, tại công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn ở mức 77,08 - 78,38 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua. Tại Tập đoàn DOJI cũng tăng giá nhẫn tròn trơn lên mức 77 - 78,4 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng.

Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nhận định được nhiều định chế tài chính quốc tế đưa ra, dựa trên kết quả tăng trưởng cao nửa đầu năm cùng triển vọng tích cực trong nửa cuối năm.

Tin tức kinh tế ngày 18/8: dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất ASEAN. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 18/8: dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất ASEAN. Ảnh minh hoạ.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá đà tăng trưởng của Việt Nam dựa trên nhiều trụ cột. Trong đó sản xuất, xuất khẩu, du lịch và tiêu dùng nội địa là những động lực chủ chốt. Đây là nền tảng tốt để các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, đặc biệt là trước cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Các đơn vị nghiên cứu cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh trong quý III và quý IV này đưa Việt Nam trở lại là nền kinh tế có tăng trưởng mạnh nhất khu vực ASEAN. Điều này tiếp tục làm tăng sức hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.

Giá vé máy bay tại châu Á có xu hướng giảm

Các dữ liệu mới công bố cho thấy số lượng chuyến bay trên các tuyến quốc tế của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm nay, đạt khoảng 80% mức của năm 2019.

Nhiều hãng hàng không lớn không chỉ mở lại các tuyến đường bay cũ mà thậm chí còn bổ sung thêm các tuyến mới. Sự mở rộng này đang dẫn đến mức giá vé thấp hơn trên toàn bộ các tuyến bay châu Á.

Theo American Express Global Business Travel, giá vé máy bay khứ hồi Á - Âu trong năm nay sẽ rẻ hơn 3,4% đối với vé phổ thông và hơn 4% đối với vé hạng thương gia. Tình hình nguồn cung gia tăng và giá vé giảm đang gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng hàng không lớn của châu Âu, từ đó cản trở sự phục hồi toàn diện của ngành hàng không.

Xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc hướng tới kim ngạch 200 tỷ USD

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2024 của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Với con số 112,2 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt khoảng 16 tỷ USD. Như vậy, trong 5 tháng còn lại, dựa theo sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại nửa đầu năm 2024, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD. 

Tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 7,21%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò vùng động lực, định hướng cho tăng trưởng nền kinh tế cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng trong 7 tháng qua đạt 7,21%, cao hơn bình quân chung của cả nước; đứng thứ 3/6 vùng kinh tế của cả nước và gấp 1,3 lần Vùng Đông Nam Bộ.

Về ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước trong vùng đạt 521.000 tỷ đồng, cao nhất nước, chiếm 41% tổng thu ngân sách Nhà nước. Giá trị xuất khẩu của vùng cũng đứng đầu cả nước khi đạt trên 80 tỷ đô la Mỹ, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh đó, vùng có 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 31% cả nước, tăng 3,39% so với cùng kỳ; 14.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, chiếm 32% cả nước, tăng 6,87% so với cùng kỳ; đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, sau vùng Đông Nam Bộ. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công của vùng ước đạt 55.757 tỷ đồng, cao nhất cả nước, đạt 31,8% kế hoạch.